Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội cho biết, từ thực tiễn cho thấy cơ bản có 7 thủ đoạn mà tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi rửa tiền.
Thứ nhất, các đối tượng thành lập công ty "ma", với vỏ bọc xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện hành vi rửa tiền. Vừa qua cơ quan điều tra đã phát hiện một số vụ việc, điển hình là vụ việc Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1985, quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng các đồng phạm thành lập 8 công ty, chuyển hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài. “Vậy với những trường hợp này, dự thảo đã có đủ hành lang pháp lý để ngăn chặn hành vi lập doanh nghiệp "ma", thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hay chưa?”, ĐB Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề.
Thứ hai, thủ đoạn thông qua nền tảng đánh bạc trực tuyến, điển hình vừa qua là vụ đánh bạc hàng ngàn tỷ đồng liên quan đến Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương. Các đối tượng dùng tiền "bẩn" để tham gia đánh bạc qua mạng với các hình thức khác nhau, sau đó rút ra để trở thành tiền sạch, sử dụng mua nhiều loại tài sản có giá trị, bất động sản.
Thứ ba, các đối tượng núp bóng gây quỹ từ thiện, đi du lịch. Chúng ta có một số quy định về giới hạn gửi tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, nhưng nhiều đối tượng lợi dụng mục đích chuyển tiền cho người thân, hoặc từ thiện, chữa bệnh, học tập nước ngoài.
Đơn cử một trường hợp người Việt đi du lịch tại Bồ Đào Nha, sau đó thông qua luật sư mở tài khoản tại quốc gia này và thông báo cho người nhà là tham gia một tổ chức từ thiện ở Bồ Đào Nha, qua đó trong 1 ngày đã chuyển 200.000 Euro sang quốc gia này. Thực tế này đã xuất hiện nhiều, vì tiền được chuyển tiền trực tuyến, không bị giới hạn.
Thứ tư, thủ đoạn chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người được thừa kế.
Thứ năm là thủ đoạn nhờ người thân mua tài sản, bất động sản, hoặc cho tặng tài sản đang diễn ra khá phổ biến.
Thứ sáu là thông qua mua cổ phiếu, trái phiếu.
Thứ bảy là lợi dụng tiền ảo, tài sản ảo để rửa tiền. Dù pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền ảo nhưng trên thực tế các giao dịch đang diễn ra phổ biến, các đối tượng lợi dụng kinh doanh tiền ảo để thực hiện hành vi rửa tiền.
“Có 7 thủ đoạn rửa tiền phổ biến hiện nay, do đó cần nghiên cứu kỹ để Luật Phòng, chống rửa tiền có các quy định khả thi, hiệu quả”, ĐB Nguyễn Minh Đức phát biểu.
ĐB Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cũng cho rằng, tiền số và tài sản số xuất hiện trong thời gian vừa qua, rất dễ xảy ra các vấn đề lợi dụng để hoạt động phi pháp, trong đó có rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cần thiết phải xây dựng khung pháp lý để ngăn chặn.
Cũng cần mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo tài sản số để tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý giám sát nhằm hạn chế rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố. Nhiều ý kiến đều đồng tình rằng dù tiền ảo chưa được Việt Nam công nhận nhưng số người giao dịch đông, dễ trở thành môi trường để vi phạm, do đó cần có quy định trong luật.
ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) cho rằng, đây là luật chuyên ngành, còn nhiều quy định chưa cụ thể.
“Những hành vi nào đã được quy định trong luật hình sự thì có cần quy định tại luật này hay không? Bên cạnh đó, quy định về giao dịch đáng ngờ cũng chưa cụ thể, khó thực hiện. Không nên quy định khung về các giao dịch đáng ngờ, vì thực tiễn sẽ phát sinh thêm những lĩnh vực mới, do đó nên giao Chính phủ quy định”, ĐB Dương Ngọc Hải nêu.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, một số thuật ngữ chưa rõ mà đưa vào trong luật thì gây ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ từ giao dịch đáng ngờ gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Thay vì từ đáng ngờ nên chăng sử dụng từ giao dịch đáng chú ý… để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân. Hay trong lĩnh vực tiền ảo, tiền số cũng cần thảo luận thêm. Kể cả việc mua 1 bức tranh rất đắt tiền cũng có thể là hành vi rửa tiền. Do đó, cần thảo luận, tính toán kỹ thêm ở phạm vi điều chỉnh của luật.
ĐB Lê Minh Trí (TPHCM), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đồng ý với ý kiến của ĐB Trương Trọng Nghĩa có thể thay thế từ đáng ngờ thành lưu ý, đáng chú ý... để nhẹ nhàng hơn, vẫn bảo đảm cho quản lý nhà nước mà không gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân.
“Luật Phòng chống rửa tiền tác động đến quản lý của chúng ta cũng như hoạt động xã hội, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, tham khảo ý kiến thêm các cơ quan chuyên môn làm rõ ranh giới giữa xử lý hành chính và hình sự trong lĩnh vực này”, ĐB Lê Minh Trí phát biểu.
Ý kiến các ĐBQH đều cho rằng, phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; bám sát tình hình thực tiễn của đất nước; góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.