Chiều 5-10, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH): Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TPHCM; Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 9 trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trương Thế Cần (phường Phước Long B) nhận xét, Quốc hội nhiều lần họp bàn về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đồng thời đưa ra nhiều giải pháp nhưng công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa hiệu quả. Do đó, Quốc hội cần bàn và đề ra giải pháp ngăn chặn kịp thời về chống tham ô, tham nhũng.
Cử tri Hà Ngọc Hải (phường Phước Long B) bổ sung: trong kỳ họp này, khi Quốc hội họp bàn thông qua dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi với những quy định chặt chẽ, khả thi để luật sửa đổi thực sự trở thành “thanh bảo kiếm” triệt tiêu tình trạng tham nhũng, nhất là các vụ sai phạm nổi cộm, bức xúc trong xã hội từ trước tới nay.
Ở một khía cạnh khác, cử tri Nguyễn Thị Dung (phường Tăng Nhơn Phú A) cũng nhận xét về một số vụ việc sai phạm có liên quan đến lãnh đạo TPHCM thời gian qua. Các vụ việc này liên quan đất đai, quy hoạch, diễn ra từ 10-15 năm trước nhưng thời gian gần đây khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì sai phạm mới được làm rõ. Có thể kể đến sai phạm xảy ra tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, việc bán đất cho Vũ “nhôm” hay gần đây là vụ Công ty Tân Thuận bán đất hơn 30ha đất (ở quận 7)…
“Sai phạm đã được công bố”, cử tri Nguyễn Thị Dung khẳng định và nhấn mạnh điều cử tri quan tâm là liệu có sự bao che trong xử lý các sai phạm đã nêu.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri cũng đề nghị cần đảm bảo quyền lợi cho người dân từ các vụ việc đã được xác định do lỗi của cơ quan quản lý. Cùng đó, Đoàn ĐBQH TPHCM cũng phải cử người giám sát giải quyết những bức xúc, khiếu kiện của người dân tại các cuộc tiếp xúc cử tri chưa được giải quyết thỏa đáng.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp thu và ghi nhận các ý kiến của cử tri.
Về việc tham gia góp ý dự luật Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định trong quá trình tham gia góp ý dự luật này, Đoàn ĐBQH TPHCM đã tập trung lắng nghe ý kiến của cử tri, ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học và gắn với thực tiễn của TP, cả nước trong công tác phòng, chống tham nhũng. Việc này để có những ý kiến góp ý, góp phần hoàn thiện dự luật này và đảm bảo dự luật sửa đổi mang tính thực tiễn cao.
Đối với ý kiến góp ý sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, Đoàn ĐBQH TPHCM cũng nhiều lần góp ý với Quốc hội nên sửa luật này. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ, tại kỳ họp vừa rồi, khi điều chỉnh kế hoạch xây dựng pháp luật của Quốc hội có đề cập xem xét sửa luật này và một số luật liên quan đến tổ chức bộ máy để đồng bộ trong năm 2019.
“Cử tri đặt vấn đề tham nhũng ở một số vụ việc, liệu có sự bao che hay không? Xử lý vấn đề này như thế nào?”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu lại thắc mắc của cử tri và khẳng định, trong thời gian qua ở TPHCM, những vấn đề tham nhũng được phát hiện đều kiểm điểm cụ thể và nếu liên quan đến cá nhân nào thì đều xử lý nghiêm.
Riêng ở Công ty Tân Thuận, báo chí đã nêu và liên quan đến một số đồng chí lãnh đạo của TPHCM. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã khẳng định đây là vụ ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của TPHCM. Đây là điều đáng tiếc mà tập thể, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đều rút kinh nghiệm trong công tác quản lý tài sản cũng như hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các doanh nghiệp làm kinh tế của Đảng bộ TPHCM.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng thông tin, trong vụ việc này, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thống nhất là có kỷ luật nhưng phải chuyển hồ sơ để Trung ương xem xét xử lý theo thẩm quyền.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp tục khẳng định, trong các vụ việc phát hiện tới đâu, TPHCM sẽ xử lý nghiêm minh tới đó và chưa có vụ việc vi phạm nào mà TPHCM làm nhẹ hoặc bỏ qua. Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tiến hành kiểm điểm, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM tổ chức kiểm điểm với những việc đã có kết luận, có phát hiện theo hướng sai phạm tới đâu xử lý tới đó.
Đề cập đến quyền lợi của người dân, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy việc quản lý nhà nước có sai phạm và gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân. Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo UBND TPHCM đưa ra một số phương án đề xuất để xử lý vấn đề này. Trong đó, UBND TPHCM phải gặp trực tiếp người dân, nghe ý kiến người dân, để thảo luận các phương án. Tất nhiên sai là phải sửa, quyền lợi người dân phải được đảm bảo.
“Tinh thần chung của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM là sai tới đâu xử lý tới đó, sai ở chỗ nào phải sửa ở chỗ đó và quyền lợi của người dân bị thiệt hại sẽ phải được đảm bảo”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết.