Lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư
Các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) đều đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023, kinh tế nước ta tiếp tục ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, dù chưa đạt mục tiêu nhưng lại là mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt, sát thực tiễn.
Tuy nhiên, nhiều ĐB cũng đều chung nhận định, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế có độ mở lớn, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, đan xen với thách thức mang yếu tố chủ quan từ nội tại của nền kinh tế. Khu vực doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn và lao động có kỹ năng.
ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, với tình hình này, việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-6,5% đòi hỏi phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Ưu tiên hàng đầu là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy, bồi dưỡng và nuôi lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp lõi của chiến lược an ninh lương thực, thực phẩm.
Muốn thế, bên cạnh những giải pháp về phát triển thị trường, tập trung đất đai, xây dựng thương hiệu, Chính phủ cần tập trung giải quyết triệt để bài toán thiếu vốn và lành mạnh hóa môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Cần giảm thêm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nội địa sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, có đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tín chỉ carbon và xây dựng nhà ở xã hội.
Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Các giải pháp về vốn, thuế, phí chỉ mang tính thời điểm, về dài hạn, giải pháp căn cơ, then chốt vẫn phải là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Đây mới là sự hỗ trợ ít tốn kém nhất, có tác động lan tỏa nhất.
ĐB Vũ Trọng Kim (Nam Định) cho rằng, cần tập trung vào lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư trong nước, khi mà hơn 400.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường; tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tăng lên, những ngành hàng đưa vào diện kiểm soát nhiều hơn…
Bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, làm tốt chính sách nhà ở xã hội
ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) đánh giá trong bối cảnh khó khăn, nhưng Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành sáng suốt, khôn khéo tận dụng thời cơ để phát triển những ngành công nghiệp mới như vi mạch bán dẫn, tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia, điều này đã và đang đem lại những khởi sắc cho nền kinh tế. Điển hình là kết quả thu ngân sách đã vượt 8,2%, tăng 133.400 tỷ đồng, đây là cơ sở quan trọng để tăng chi đầu tư cho nhiều công trình, dự án quan trọng.
Tuy vậy, ĐB Tạ Thị Yên lo lắng trước một số biến động bất thường của thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, cho thấy có sự không ổn định. “Chính phủ cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân”, ĐB Tạ Thị Yên nêu.
Theo phân tích của ĐB Tạ Thị Yên, đối với thị trường vàng, có thể thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch nhiều, dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực đến việc ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, ĐB đề xuất nên thị trường hóa vàng miếng và cho phép nhập khẩu vàng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước:
“Nên chăng không còn độc quyền sản xuất vàng miếng nữa, mà nên mở rộng cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời cho phép các doanh nghiệp có đủ điều kiện nhập khẩu vàng”, ĐB Phạm Văn Hòa kiến nghị.
Đối với thị trường bất động sản, theo ĐB Tạ Thị Yên, việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân cũng cần phải điều chỉnh.
“Nhà ở xã hội có nơi thì thừa, nơi thì thiếu. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội giải ngân quá ít, cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách rất tốt, rất nhân văn, nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân thì rất mong mỏi, chờ đợi điều này”, ĐB Tạ Thị Yên nêu.
ĐB Tạ Thị Yên cũng dẫn con số mà báo chí phản ảnh gần đây: Sở Xây dựng TPHCM thống kê có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bị bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) với hơn 12.000 căn và tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh với hơn 2.000 căn hộ. Tương tự, ở Hà Nội cũng có hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang như ở quận Long Biên, Cầu Giấy… Điều này đã làm lãng phí nguồn lực tài chính công, trong khi người dân thì vẫn còn thiếu chỗ ở, do đó “cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”.