Trước đó, sáng ngày 22-10, Quốc hội nghe tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện nay tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế. Vì vậy, Chính phủ thấy cần báo cáo Quốc hội để có cơ chế xử lý.
Về vấn đề này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng cho biết, bà sẽ không đồng ý với đề nghị này.
“Cần nói rõ những người sai thì đã bị xử lý như thế nào, nếu để điều đó thì không công bằng với các doanh nghiệp khác. Trong số này có doanh nghiệp nào cố tình trốn thuế, doanh nghiệp nào gặp khó do khách quan, phải làm rõ ra”, ĐB Phong Lan trình bày. |
Về vấn đề khoanh nợ thuế, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn cho rằng, đây là một thực tế, gây ra một tiền lệ chính sách pháp luật, tạo ra sự không công bằng. Doanh nghiệp làm ăn, nộp thuế nghiêm túc thì lại bị thiệt, còn những doanh nghiệp chây ỳ, cố tình thì sau lại được bảo vệ.
“Người dân sẽ nhìn vào trách nhiệm của ĐBQH trong vấn đề này. Cứ mỗi lần khó lại đưa ra Quốc hội, đẩy ĐBQH vào những tình huống rất khó giải quyết”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phàn nàn.
Về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, trước đó thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Nguyên nhân là do Chính phủ chậm ban hành 2 Nghị định về vấn đề này, đã làm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tính được số tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Do đó, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên theo quy định.
Thảo luận về vấn đề này, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho rằng, con số 5.000 tỷ đồng này bằng thu ngân sách của cả một địa phương.
“Chúng ta thu thuế của những tiểu thương, ngành hàng nhỏ, nhưng lại buông lỏng việc thu thuế của nhiều doanh nghiệp lớn. Quốc hội ban hành Luật nhưng lại phải lùi triển khai, làm giảm hiệu lực của Luật; việc lùi trái cả những luật đã ban hành. Điều này là rất mâu thuẫn, rất khó trả lời với cử tri, ĐBQH rất khó khi phải bấm nút việc này. Không chỉ là con số 5.000 tỷ đồng mà chính chúng ta sẽ góp phần làm vô hiệu hóa luật. Cần phải đặt thượng tôn pháp luật lên đầu”, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê nêu quan điểm.
Tương tự, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cũng nêu quan điểm, tại sao việc xảy ra 4-5 năm rồi, nay Quốc hội mới biết. ĐB đề nghị cần phân loại đối tượng (khoanh nợ, chậm, phá sản..) để xử lý đúng việc, đúng người. Vì không loại trừ có những đối tượng lợi dụng để trốn thuế. Phải nói rõ điều này để trả lời cho cử tri.