Các ý kiến đều nhấn mạnh, với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô, cần phải chú trọng đầu tư và phát triển như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt.
Đi vào góp ý vấn đề cụ thể, đại biểu (ĐB) Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị, danh hiệu công dân ưu tú Thủ đô nên quy định đồng bộ cho cả người Việt Nam trong nước và nước ngoài.
ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) quan tâm dự thảo luật nêu các yêu cầu xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà, cần đưa ra những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc, để họ có nhiều đóng góp, cống hiến cho Thủ đô.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) kỳ vọng luật sửa đổi lần này với những chính sách đặc thù, đặc biệt sẽ tạo động lực để thủ đô Hà Nội bứt phá, trở thành một thủ đô tầm cỡ trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ĐB cho rằng cần tiếp tục rà soát, có những quy định cụ thể liên quan đến quy hoạch xây dựng, phát triển thủ đô và biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch.
ĐB phân tích, so với thế giới, Hà Nội vẫn còn thiếu vắng những công trình mang tính điểm nhấn để thu hút khách du lịch, để lại dấu ấn về thủ đô trong lòng du khách. “Cần quy định cụ thể rõ ràng về chiến lược, quy hoạch, ưu tiên đầu tư, quỹ đất, chính sách, thu hút các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế để giúp Hà Nội có những công trình mang điểm nhấn, dấu ấn của khu vực và toàn cầu”, ĐB Tạ Văn Hạ bày tỏ.
Đáng chú ý, vấn đề phát triển không gian ngầm của Hà Nội được một số ĐB quan tâm. ĐB Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, hiện nay, không gian ngầm phải được quản lý, sử dụng có hiệu quả và đây chính là nguồn tài nguyên để phát triển Hà Nội. ĐB đề nghị trong giai đoạn hiện nay, cần tích hợp với các quy định về giá đất, trường hợp miễn giảm tiền sử dụng không gian ngầm…
Còn theo ĐB Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp), Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chung không gian ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Hà Nội trở thành đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt quy hoạch không gian ngầm, mở ra một giai đoạn phát triển của thủ đô theo chiều ngang, chiều cao và cả chiều sâu, tạo một hệ thống không gian đô thị đồng bộ, góp phần khai thác đô thị hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai, năng lực cơ sở hạ tầng, giữ gìn cảnh quan văn hóa, tăng diện tích xanh, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông… hướng tới phát triển đô thị hiện đại, bền vững. Do đó, ĐB đề nghị quy định rõ hơn trong dự thảo luật các chính sách ưu tiên phát triển không gian ngầm.