Các đại biểu (ĐB) đánh giá cao Quốc hội dùng 1 luật sửa 4 luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc.
Quan tâm đến Luật Đấu thầu, ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, về giá thuốc mua vào, Chính phủ quy định nhà thuốc bệnh viện mua thuốc không cao hơn giá trúng thầu của thuốc đó tại cùng thời điểm, hoặc không cao hơn giá trúng thầu tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong vòng 12 tháng.
Về giá thuốc bán ra, Chính phủ quy định thặng dư số bán lẻ tối đa của tất cả các thuốc tại nhà thuốc bệnh viện. Do các đặc thù: nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh, không dự trù trước được về danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi, do đó rất khó để xây dựng được kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài, vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát được chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất. Hiện nay, các nhà thuốc bệnh viện đang thiếu rất nhiều các loại thuốc, thiết bị y tế, để phục vụ cho nhu cầu của bệnh nhân.
Do đó, ĐB Nhị Hà kiến nghị sửa luật theo hướng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm thuốc đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Cũng theo ĐB Hà, hiện nay có sự chênh lệch rõ rệt trong đấu thầu và mua sắm thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập. Trong khi các cơ sở công lập gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc và thiết bị y tế thì các cơ sở y tế ngoài công lập lại đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, thậm chí có cả các loại thuốc hiếm và thiết bị y tế hiện đại.
Một trong những nguyên tắc đấu thầu là đảm bảo hiệu quả kinh tế, nhưng việc các cơ sở tư nhân sử dụng hình thức mua sắm thông thường lại mua được một số thiết bị y tế với giá rẻ hơn so với cơ sở công lập.
“Câu hỏi tại sao lại như vậy vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm và vẫn như một lời thách thức lớn cho công tác đấu thầu. Tôi đề xuất bổ sung quy định trong Luật Đấu thầu yêu cầu không chỉ các cơ sở công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân cũng thực hiện đăng tải thông tin về kết quả mua sắm, đây cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng có giá trị trong việc quản lý và tham chiếu, tạo sự minh bạch và hạn chế các tiêu cực trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh”, ĐB Nhị Hà nêu.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng cho rằng, những quy định về đấu thầu mua sắm thuốc trực tiếp là không cần thiết, thay vào đó là chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, đàm phán giá… ĐB đặt câu hỏi, tình trạng thiếu thuốc đã xảy ra nhiều năm, không phải bây giờ mới thiếu, không thể đổ thừa do dịch Covid-19.
“Phải nhìn thấy rõ ràng là chúng ta tự làm khó mình. Không có quốc gia nào mà việc quản lý thuốc vào bệnh viện lại như vậy, mục tiêu của chúng ta là bảo đảm việc nâng cao sức khỏe của người dân, bảo đảm đủ thuốc, chất lượng, còn giá thuốc thì qua bao năm miệt mài đấu thầu, liệu đã có nghiên cứu nào để đánh giá lại chúng ta đã tiết kiệm được cái gì”, ĐB Phong Lan nêu câu hỏi.
Ở một góc nhìn khác, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đề nghị xem xét quy định về đấu thầu đối với các hạng mục như mua sắm, cải tạo, nâng cấp, mở rộng xây dựng các hạng mục công trình… trong các dự án đầu tư xây dựng, sử dụng kinh phí chi thường xuyên.
“Đề nghị nâng mức tổ chức đấu thầu với các công việc sử dụng chi thường xuyên lên bằng mức đầu tư công. Tức là với gói thầu tư vấn thì trên 500 triệu đồng, với gói thầu mua sắm xây lắp dịch vụ phi tư vấn thì trên 1 tỷ đồng. Chúng ta cần phải mạnh mẽ, tháo gỡ vướng mắc, tạo sự thông thoáng ngay trong bộ máy hành chính, trong các cơ quan đoàn thể. Bởi bên trong mà chưa thông thì e rằng bên ngoài khó thoát được. Cán bộ công chức, viên chức còn bị gò bó phải thực hiện các thủ tục nhiêu khê cho những việc cần thiết, nhỏ nhoi thì khó có thể có tâm thế mạnh dạn tạo sự thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp”, ĐB Trần Hữu Hậu phát biểu.