Chiều 5-11, Bộ Công an đã chính thức có phản hồi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ về tranh luận xung quanh phát biểu của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng tại phiên chất vấn sáng 31-10.
Theo đó, Bộ Công an dẫn lại chất vấn của ĐB Lưu Bình Nhưỡng với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm với nội dung: “... qua báo cáo thì mới thấy rằng như thế này, vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%... Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong việc này”.
Theo Bộ Công an, sau phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, nhiều trang mạng xã hội đã trích dẫn, bình luận, xuyên tạc về đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan điều tra, gây dư luận không tốt”. Do đó, Bộ Công an cho rằng sự việc “rất cần được thông tin một cách đầy đủ để công luận hiểu rõ vấn đề”.
Bộ Công an cũng báo cáo lại số liệu tính trong 12 tháng báo cáo Quốc hội (từ 1-10-2017 đến 30-9-2018), số tin báo, tố giác không thụ lý theo đúng quy định của cơ quan điều tra (CQĐT) là 82/118.731 tin, chiếm tỷ lệ 0,07%. Số tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố đã giải quyết nhưng chậm gửi quyết định giải quyết cho Viện kiểm sát của CQĐT là 37/118.731 tin, chiếm 0,03%. Số tin báo, tố giác xử lý quá hạn của CQĐT là 3.360/118.731 tin, chiếm tỷ lệ 2,82%. Số lần vi phạm trong việc gửi, tống đạt, thông báo, niêm yết… các lệnh, quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn của CQĐT là 33, chiếm tỷ lệ 0,01%. Tất cả các tỷ lệ đều thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ mà ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề cập trong chất vấn.
Bộ Công an cũng khẳng định thêm, tại phiên chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đã cung cấp thông tin đánh giá của ủy ban, cho thấy đánh giá tình hình của ĐB Nhưỡng không chính xác. Cụ thể, tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm đạt 87,2%, còn 2,8% mới đạt yêu cầu của Quốc hội. Ủy ban Tư pháp đánh giá số tin báo tố giác quá hạn chiếm 2,8% trên tổng số các tin báo, chứ không phải là chiếm nhiều.
Đáng chú ý, sau khi có ý kiến chất vấn của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ngay trên nghị trường chất vấn, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã tranh luận lại với ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng những tính toán của ĐB Lưu Bình Nhưỡng là chưa chính xác. Bên lề Quốc hội, nhiều ĐB công an đã lên tiếng về tỷ lệ này, như ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) yêu cầu ĐB Nhưỡng xin lỗi về thông tin gây nhầm lẫn.
Sáng 6-11, báo chí đã tìm gặp ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng để trao đổi về phản hồi của Bộ Công an.
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, ông có ý kiến gì về phản hồi của Bộ Công an?
- ĐB LƯU BÌNH NHƯỠNG: Con số của Bộ Công an là đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ngành công an đối với công việc đó, còn tôi là đánh giá tỷ lệ vi phạm pháp luật của các cơ quan trong hoạt động tư pháp, cái này đã được nêu trong một phụ lục báo cáo riêng. Hai cách nhìn nhận về hai vấn đề khác nhau, cho nên không thể lấy vấn đề của Bộ Công an để lý giải rằng tôi nghĩ sai và có phát biểu sai về vấn đề này. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, đấy là vấn đề A, còn tôi nói vấn đề B. Tôi so sánh tỷ lệ vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp của cơ quan này với cơ quan khác.
Việc thông tin Bộ Công an đưa ra tôi nhất trí thôi. Điều này đã được đánh giá trong một báo cáo của Ủy ban ban Tư pháp rồi. Tôi cũng cho rằng, trong quá trình công tác, lực lượng công an đã có nhiều cố gắng, xử lý đến hơn 12.000 tin tố giác. Nhưng cũng phải thấy là theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, thì một số chỉ tiêu của ngành vẫn chưa đạt yêu cầu theo đúng quy định Quốc hội.
*Ông nhận xét gì về những tranh luận qua lại giữa các ĐBQH về vấn đề này từ hôm đó (ngày 31-10) đến nay?
- Tôi chỉ có băn khoăn, hôm chất vấn đó, tôi là người đưa ra ý kiến chất vấn đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành. Nhưng tôi không hề nhận được thông tin phản hồi ngay lập tức của các tư lệnh ngành. Đây là điều hết sức đáng tiếc.
Theo quy định khoản 2, điều 15 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội thì việc chất vấn là quyền của ĐBQH. Các chủ thể được chất vấn phải có trách nhiệm trả lời, thậm chí là yêu cầu ĐBQH nêu ý kiến lại về vấn đề đó. Ở đây là câu chuyện chất vấn giữa ĐBQH với các trưởng ngành, chứ đây không phải là câu chuyện tranh luận giữa ĐB này với ĐB khác. Nó không phải là quy trình thủ tục của một phiên thảo luận. Đặc biệt, ĐB này không có quyền chất vấn ĐB khác, nó không đúng với quy định về chất vấn. Còn tranh luận thì các ĐB có thể tranh luận với nhau.
Trên nghị trường chất vấn, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) là người trong ngành đã gần như trả lời thay thủ trưởng của mình. Đối với nghị trường phải tuân thủ sự điều hành của chủ tọa. Khi chủ tọa yêu cầu các ĐBQH gặp nhau thì anh phải tôn trọng kỷ luật chung. Đặc biệt, nếu đã là tài liệu mật thì không được phép công bố. Những người làm công tác pháp luật càng phải hết sức thận trọng trong việc công bố các tài liệu mật, vì có thể vi phạm pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước.
Hôm đó tôi nêu ra 3 vấn đề đối với ba ngành. Vì áp lực thời gian nên tôi không nói được đầy đủ, hết nghĩa, nhưng buổi sáng hôm sau, khi đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói về vấn đề đó thì tôi đã nói lại rất rõ. Tôi đã khẳng định chỉ nêu so sánh tỷ lệ vi phạm giữa các cơ quan trong hoạt động tư pháp và điều này có tiêu đề, báo cáo đoàng hoàng chứ không phải tự tôi nghĩ ra, tự tôi lấy số liệu này chia cho số liệu khác. Đây nằm trong cùng một hệ quy chiếu, chúng ta phải hết sức thận trọng. Có thể tôi chưa nói được hết vấn đề thì ngày hôm sau tôi đã nói lại rồi. Và ở đây không có chuyện tôi bịa ra để nhằm vào một điều gì đó.