Trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, vấn đề về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý (Điều 59 dự thảo Luật) được không chỉ các ĐBQH mà cả xã hội đặc biệt quan tâm.
Sáng 31-5, bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi về vấn đề này.
- ĐB LƯU BÌNH NHƯỠNG: Trước hết tôi khẳng định, tham nhũng có nhiều hình thái, biến thể khác nhau, vì thế sửa Luật PCTN sửa đổi lần này nhằm mục đích nhận diện, phát hiện và xử lý tốt hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tham nhũng lớn.
Còn vấn đề xử lý tài sản là một vấn đề rất khó. Tôi suy nghĩ nhiều về câu chuyện đánh thuế thu nhập 45% này. Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói đây là vấn đề mới và phức tạp, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban cũng phải xin ý kiến Quốc hội. Đây là vấn đề thực sự khó, nhiều vấn đề chưa hình dung hết.
Quan điểm của tôi là cái đó không thể đánh thuế được, còn nếu tài sản không hợp pháp thì chỉ có thể tịch thu.
Bạn mua tặng cho tôi viên kim cương vài tỷ đồng, bạn đã phải đóng thuế khi mua rồi, tại sao lại đánh thuế tiếp khi tôi được tặng? Như vậy, ý của Ủy ban Tư pháp là rất quan trọng. Chừng nào Nhà nước chứng minh được đó là tài sản bất hợp pháp, tài sản tham nhũng thì hãy xử lý, nếu không thì phải chấp nhận theo quy định của Hiến pháp (quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định).
- Nếu thực hiện đánh thuế tài sản này thì cũng chỉ có thể thực hiện kể từ khi Luật PCTN sửa đổi này có hiệu lực, chứ Luật không hồi tố. Còn trước khi Luật có hiệu lực, tài sản chia làm hai loại.
Một là nếu tài sản là hợp pháp, không được động chạm vào. Thứ hai, tài sản mà nếu nhà nước chứng minh được tài sản bất hợp pháp, tham nhũng, trộm cướp... thì có quyền xử lý theo quy định.
Ví dụ, tài sản của một người tích lũy qua nhiều thế hệ, do những điều kiện nào đó mà họ muốn giấu, đó là quyền về tài sản, quyền bí mật đời tư. Kể từ thời điểm Luật có hiệu lực, tài sản tăng thêm anh phải có giải trình rõ ràng, nếu không thì đương nhiên sẽ bị đánh thuế. Tức là khi luật này ra đời người kê khai phải hợp tác với cơ quan chức năng để giải trình tài sản tăng thêm của mình.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy, đặc điểm xã hội nước ta là người dân (trong đó có cán bộ, công chức) có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập) và trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản... trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.
Về mặt pháp lý, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Nhà nước, do đó không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản do phạm tội tham nhũng mà có để tịch thu bằng biện pháp hình sự. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Dân sự về căn cứ xác lập quyền sở hữu và quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về nghĩa vụ chứng minh thì cũng không thể coi đó là tài sản của Nhà nước để xác lập quyền sở hữu nhà nước và cũng khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện.
Đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu PCTN, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân.
(theo Báo cáo thẩm tra của Bộ Tư pháp)