ĐBQH lo thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực khi thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 15-2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Các đại biểu (ĐB) đánh giá, hầu hết nội dung của dự thảo luật thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Các đại biểu dự phiên họp Quốc hội sáng 15-2.jpg
Các đại biểu dự phiên họp Quốc hội sáng 15-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Dự thảo luật đã cơ bản tạo được hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, giúp khơi thông nguồn lực, tạo các động lực mới, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước.

Việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng các luật, nghị quyết trong kỳ họp bất thường lần thứ 9 này được các ĐB kỳ vọng sẽ là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật Việt Nam.

Phiên họp Quốc hội sáng 15-2-2025.jpg
Phiên họp Quốc hội sáng 15-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Các ĐB tiếp tục đề nghị làm rõ hơn về vấn đề phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương. Nhiều ý kiến quan tâm việc cần có những quy định rõ trong phân quyền, để bảo đảm chính quyền được phân quyền sẽ làm hết thẩm quyền của mình mà không ngại bị làm sai.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị nghiên cứu lại quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị, để thúc đẩy phát triển.

Lý do, theo ĐB, là hiện nay chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo ĐB Trần Quốc Tuấn, qua nhiều kỳ Đại hội Đảng, nhiều chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng đã chỉ đạo phải đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và đặc điểm vùng nông thôn, hải đảo.

Thực tiễn cũng cho thấy, sau khi sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, các địa phương như TP Đà Nẵng, TPHCM và mới đây là TP Hải Phòng được Quốc hội cho phép thực hiện chính quyền đô thị, các nơi này đã triển khai, mang lại kết quả rất tốt.

Do đó, trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang tinh gọn tổ chức bộ máy, thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được xem xét thận trọng để có thể thiết kế lại cho phù hợp đặc điểm của khu vực đô thị và nông thôn. Điều này hoàn toàn không trái với Hiến pháp.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh).jpg
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Quốc Tuấn đề xuất, trong khi chưa thể đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn, cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị như những nơi đã và đang thí điểm hiệu quả. Đây sẽ là cơ sở thực hiện tốt việc tinh gọn bộ máy hiện nay, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, ĐB Trần Quốc Tuấn cho rằng, luật được thiết kế theo tư duy “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.

Do vậy, nếu thiếu thiết chế, cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu lực, hiệu quả khi chính quyền địa phương được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, có thể xảy ra các trường hợp tha hóa quyền lực.

Từ đó, ĐB đề nghị bổ sung vào dự thảo luật nguyên tắc “tăng cường kiểm soát quyền lực khi được phân cấp, phân quyền, ủy quyền”.

Phiên họp Quốc hội sáng 15-2.jpg
Các đại biểu dự phiên họp sáng 15-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng quan điểm trên, nhiều ĐB cũng đề nghị, cần quy định rõ vấn đề ủy quyền, phải có giới hạn về thời gian.

Song song, cần bổ sung quyền hạn của UBND cụ thể hơn ở những nơi không tổ chức HĐND.

Theo ĐB Trần Quốc Tuấn, dự thảo chỉ quy định về UBND ở cấp chính quyền địa phương có HĐND cùng cấp; chưa quy định về UBND ở những nơi không tổ chức HĐND. Quy định như vậy là chưa đủ.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc).jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc). Ảnh: QUANG PHÚC

Góp ý thêm, ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị, hiện nay, đối với các ủy viên UBND tỉnh do HĐND bầu nhưng sau khi thành viên này chuyển công tác khỏi địa bàn, HĐND vẫn phải làm quy trình miễn nhiệm, kể cả việc bầu bổ sung ủy viên UBND.

Trong thực tế, quy trình này chỉ mang tính hình thức, thủ tục rườm rà. ĐB đề nghị Quốc hội nghiên cứu theo hướng: khi đại biểu HĐND hoặc ủy viên UBND chuyển công tác khỏi địa bàn, đương nhiên thôi không là đại biểu HĐND và ủy viên UBND.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình, UBND ở cấp chính quyền địa phương hoạt động theo chế độ tập thể, nhưng cần mở rộng hơn quyền của chủ tịch UBND, đó cũng là mong muốn của các địa phương hiện nay.

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa).jpg
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) quan tâm về quy định đối thoại giữa chính quyền xã với nhân dân. Theo ĐB, nên quy định cụ thể để tránh hình thức, bảo đảm hiệu quả: phải chọn đối thoại các vấn đề nóng, bức xúc của dân, chứ không phải một cuộc gặp mặt nhân dân bình thường.

Đồng thời, để bảo đảm nhu cầu thực tiễn, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho Thường trực HĐND, tránh quá nhiều cuộc họp như hiện nay, lại không bảo đảm kịp thời. Thường trực HĐND có quyền quyết định nhiều hơn, sau đó báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.

Tin cùng chuyên mục