ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận xét, vừa qua, câu chuyện SGK nóng bỏng toàn xã hội về việc in, in không đủ, không biết mua sách ở đâu, học trò mang nhiều bộ sách không thống nhất…
Nguyên nhân, theo ĐB Nguyễn Anh Trí chính là từ việc độc quyền in ấn. Vì thế, “xã hội hóa in ấn thì được” nhưng không nên xã hội hóa việc biên soạn SGK vì “xã hội hóa SGK là hỏng hẳn”. SGK nên theo nguyên tắc chung là có một bộ SGK chuẩn, sử dụng chung trên cả nước; có một bộ chuẩn cho mỗi môn, mỗi lớp có một bộ sách, còn sách tham khảo không nên quá nhiều; sách dùng được nhiều năm, và hàng năm, nếu có sửa đổi, bổ sung thì tỷ lệ không quá 10%.
Nhà báo Thuận Hữu, Tổng biên tập báo Nhân Dân cũng băn khoăn về việc có nhiều bộ SGK sẽ được ban hành để nhà trường lựa chọn. Theo ông, nếu quản lý không chặt thì dễ gây tình trạng rối rắm, thậm chí lãng phí.
“Nhiều bộ SGK quá thì liệu suốt ngày ta cứ chạy theo một thứ không ổn định? Tôi đề nghị có một chương trình và bộ SGK phải tương đối ổn định. SGK đang trong quá trình xã hội hóa về biên soạn, nên ta cứ làm hoài, cứ thẩm định hoài thì lúc nào mới ổn định bộ SGK đây?” – ông lo lắng.
Bên cạnh đó, việc tiến hành thực nghiệm chương trình mới, SGK mới trước khi ban hành cũng là điều cần xem xét. Có một số chính sách, đưa ra thiếu sự thực nghiệm trước nên mới gây ra sự xáo trộn, hoài nghi, mặc dù bản thân chính sách đó là tốt. Vì thế phải đảm bảo tính ổn định của SGK.
ĐB Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) cũng cho rằng, việc ban hành nhiều bộ SGK liệu có đảm bảo ổn định như điều luật đưa ra nếu có một lúc nhiều bộ SGK hay không là điều cần cân nhắc kỹ, cũng bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện chủ trương này.
ĐB Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cũng nói, xã hội hóa việc đóng góp xây dựng trường lớp, trang thiết bị học tập… thì không sao nhưng SGK phải thống nhất, có bộ sách chuẩn.
“Quy định xã hội hóa SGK cho phép cơ sở giáo dục lựa chọn sách trên cơ sở tham khảo ý kiến của cha mẹ học sinh không khả thi. Quy định này sẽ dẫn đến trên một địa bàn, một tỉnh có nhiều trường và các trường lựa chọn SGK khác nhau, khiến cách hiểu có thể thiếu thống nhất, kéo theo trình độ, bài thi của học sinh khác nhau. Mặt khác, các tỉnh, địa bàn khác nhau, trình độ khác nhau nên không phải cha mẹ nào cũng có trình độ để có ý kiến về việc lựa chọn SGK cho con”, ĐB Nguyễn Văn Được lo ngại.
“Mỗi cái tròn tròn vuông vuông thôi mà tranh cãi rất phức tạp” ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) “Phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại, nơi thì áp dụng tiếp, nơi bỏ, rất không thống nhất, phức tạp. Cá nhân tôi đi dự giờ ở Hoà Bình thì thấy kết quả rất tốt. Nhưng kiên quyết theo hướng này thì phải có quy trình chuẩn, ai được quyền quyết định chứ không thể để cho hiệu trưởng quyết”, ĐB Nguyễn Tiến Sinh phát biểu. ĐB nêu ví dụ từ câu chuyện bộ SGK thực nghiệm: “Qua vụ vuông vuông tròn tròn cho thấy cần quan tâm tới ý kiến của phụ huynh học sinh, không phải thích dạy con em họ cái gì thì dạy”. ĐB Bùi Minh Châu (Phú Thọ) có cùng quan điểm này khi nhận định, dự án luật này rất quan trọng, vì quan hệ trực tiếp tới mọi người, mọi nhà, mọi gia đình. ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cũng kiến nghị có quy định cụ thể về việc thực nghiệm, thí điểm những mô hình mới, tránh tình trạng như vừa qua chương trình công nghệ giáo dục thí điểm 40 năm vẫn chưa kết luận là có thí điểm nữa hay không. "Việc này tạo ra cho người dân nhiều băn khoăn. Có thầy cô dạy thì ca ngợi, người khác lại không đồng tình vì cho rằng việc dạy như vậy triệt tiêu sáng tạo của giáo viên. Theo hướng “công nghệ” này thì cha mẹ cũng không dạy được con mà như GS Hồ Ngọc Đại lý giải là việc dạy học là một “nghề”, cần chuyên nghiệp hoá", ông Phương phát biểu. |