Vụ phong chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) năm 2017 ầm ĩ suốt thời gian qua đến nay vẫn chưa khép lại. Hiện tại, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước sau khi rà soát 1.226 hồ sơ GS, PGS năm 2017 đã báo cáo Thủ tướng có 94 GS, PGS cần rà soát kỹ do có đơn thư tố cáo và hồ sơ cần xác minh thêm.
Những ứng viên này bị phản ánh là chưa có đủ tiêu chuẩn về giờ giảng, bài báo, công trình nghiên cứu khoa học. Trong số các ứng viên cần rà soát có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Vấn đề mà dư luận đang đặt ra khá nóng bỏng hiện nay là: Bộ trưởng, các vị trí quản lý nhà nước thì có nhất thiết làm GS, PGS?
Trao đổi với SGGPO, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định: "GS là chức danh dành cho GD-ĐT, đã là cán bộ nói chung, tham gia quản lý nhà nước, làm lãnh đạo thì không thể làm giảng viên được. Đặc trưng của GS, PGS là hành nghề GD-ĐT, đó là nhà trường. Còn quan trường chỉ là lãnh đạo, quản lý, đó là anh phải khởi xướng chính sách, tổ chực thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách. Ở đây không có giảng dạy, đào tạo như ở nhà trường".
“Chỉ có ở Việt Nam, chức danh GS như một "tiêu chuẩn trang trí", "làm đẹp" thêm cho cán bộ lãnh đạo, xuất phát từ thói háo danh, tạo cuộc đua vào chuyện học hàm”, ông Vân thẳng thắn.
Theo ông, có thể chấp nhận một vị quan chức có bằng tiến sĩ, nhưng không thể chấp nhận một vị quan chức có hàm GS. Vì bản chất của lãnh đạo là quản lý điều hành, không có chuyện giảng dạy - có tính chất kinh viện với cấp dưới. GS, PGS phải là chức danh nghề nghiệp lĩnh vực đào tạo, Bộ trưởng không nên là GS, gốc rễ vấn đề là ở đó".
“Khi nào anh thấy rằng anh phù hợp với công tác giảng dạy thì phải từ chức bên chính quyền và ứng thí vào một trường đại học nào đó để làm GS, PGS. Ngược lại, GS, PGS nào mà thấy mình có thể đảm đương được trách nhiệm quản lý thì khi tham gia cũng nên từ bỏ nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu để tập trung vào công tác quản lý, điều hành”, ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Theo ông Lê Thanh Vân, chúng ta cũng không cần thiết quy định máy móc rằng chỉ nên phong GS, PGS cho giảng viên trong trường đại học và phải có thời hạn. “Nhưng phải quy định có tính chất điều kiện: khi GS, PGS tham gia chức vụ quản lý trong bộ máy thì anh không tham gia đào tạo nữa, vì chức vụ của anh có thể chi phối việc hướng dẫn và việc xét phong học trò của anh. Cái đó phải ngăn chặn. Còn sau khi thôi làm lãnh đạo thì lại về trường để xét duyệt lại GS, PGS”.
Khác với quan điểm của ông Lê Thanh Vân, GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS ngành y cho rằng: Nói Bộ trưởng không có thời gian nghiên cứu cũng không đúng. Vì Bộ trưởng có nhiều người giúp việc, không cần ôm đồm, nên nếu quản lý tốt thì vẫn có thời gian nghiên cứu. Nếu Bộ trưởng làm được thì rất đáng trân trọng.
Riêng với trường hợp Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Gia Khánh cho rằng: “Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Y tế còn thừa sức làm GS vì thành tích nghiên cứu khoa học của bà đã có từ mấy chục năm trước".
* TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp
“Các vị trí Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Giám đốc Sở, Thứ trưởng, Bộ trưởng mà rảnh thời gian quá (có thời gian làm khoa học, giảng dạy) thì nên từ chức”
* TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT
"Quan chức nói chung, Bộ trưởng nói riêng, không nên làm GS, PGS. Chức danh này chỉ nên dành cho những người giảng dạy tại các cơ sở đại học. Công việc chính của Bộ trưởng là làm hành chính, chính sách. Khi quan chức gắn chức danh GS, dù có thanh minh thế nào cũng thể hiện tính háo danh".