* ĐB Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội: Nhiều vấn đề của ngành lẽ ra Bộ Tài chính phải chủ động quản lý
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có những nội dung còn chung chung, chưa đi vào câu hỏi của ĐBQH. Ví dụ vấn đề quản lý nợ công, thất thu thuế, cá nhân tôi cũng đã chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vấn đề thất thu của nhiều loại hình kinh doanh mới như kinh doanh trên mạng, Facebook, Google, Grab… Bộ trưởng Bộ Tài chính nói có biết và đang nghiên cứu. Đây là lĩnh vực của ngành, lẽ ra Bộ Tài chính phải chủ động quản lý.
Hay dư luận và bản thân tôi thấy các khu đất vàng, các dự án lớn mặc dù trúng thầu thuê đất giá thấp nhưng bán ra rất cao khiến Nhà nước thất thu. Rồi vấn đề định giá tài sản công, tôi cũng đã chất vấn Bộ trưởng. Dư luận cho rằng đang có lợi cho doanh nghiệp vào đấu thầu, mua lại tài sản đó. Cụ thể như vụ việc của Hãng Phim truyện Việt Nam vừa qua. Tiếp đó là vấn đề quản lý nợ công…
Tôi mong Bộ trưởng Bộ Tài chính cần phải lắng nghe dư luận, báo chí, ĐBQH, sâu sát hơn để từng bước xem xét lại 3 lĩnh vực nợ công, ngân sách, chống lãng phí. Bộ Tài chính cần phối hợp các bộ ngành khác và tham mưu cho Chính phủ hạn chế nợ công, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và thu ngân sách cần phải rà soát lại để tránh lãng phí, thất thu thuế.
* ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Trả lời chất vấn của Thống đốc khá rõ ràng
Phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khá rõ ràng, nêu ra các vấn đề đúng với ý kiến đề xuất, chất vấn của ĐBQH. Quan trọng hơn là quyết tâm của Thống đốc để xử lý các vấn đề tồn tại của ngành ngân hàng thời gian vừa qua và có đề ra được giải pháp.
Đặc biệt, Thống đốc có phối kết hợp với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT giải đáp về nguồn vốn cho vay để phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp.
Đây là một trong những điểm cốt lõi ĐBQH muốn xoáy vào. Thống đốc NHNN trả lời khá rõ các khúc mắc của cử tri, thỏa mãn câu hỏi đặt ra của ĐBQH.
* ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM): Nên sắp xếp những câu hỏi chất vấn theo chủ đề
Thống đốc trả lời tự tin vì vừa qua công tác điều hành của NHNN đã đạt được một số kết quả như hỗ trợ cho các thành phần kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ, giải quyết việc làm... Vì điều hành có hiệu quả nên Thống đốc thể hiện sự tự tin và trí tuệ khi trả lời các chất vấn của ĐBQH. Tôi hài lòng về phần trả lời chất vấn của Thống đốc.
Còn điểm tôi mong đợi nữa là trong phần chất vấn, nếu chúng ta có thể sắp xếp những câu hỏi chất vấn theo chủ đề thì việc trả lời sẽ gọn hơn và nhiều ĐBQH được chất vấn hơn.
Có ý kiến nhận xét không có nhiều tranh luận của ĐBQH, khiến cho không khí chất vấn kém sôi nổi, hấp dẫn. Thực sự thì điểm nóng của ngân hàng là nợ xấu và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Về nợ xấu thì Quốc hội đã có nhiều phiên thảo luận về vấn đề này và tại kỳ họp trước, các ĐBQH cũng đã thảo luận rất nhiều về nợ xấu, do đó chất vấn lần này ít được nhắc đến hơn. Còn về xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém thì cách đây vài ngày, khi thảo luận về sửa đổi một số điều khoản của Luật các tổ chức tín dụng, vì thế ĐBQH cũng đã thảo luận khá kỹ.
Trong thời gian qua, với hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là khi phát sinh nợ xấu lên tới hơn 10% trên tổng dự nợ, thì ngân hàng đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém nhất định. Với những điều kiện pháp lý chưa được hoàn thiện, nhưng với mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống, bảo vệ tiền gửi của nhân dân thì chúng ta đã xử lý những giải pháp mang tính tình huống. Bây giờ, chúng ta phải hoàn thiện việc xử lý các vấn đề đó thông qua việc sửa đổi một số điều khoản của Luật các tổ chức tín dụng. Tôi đồng tình với NHNN là khi có một cơ chế luật pháp hoàn thiện thì sẽ góp phần răn đe, nâng cao trách nhiệm tín dụng, các hoạt động tín dụng.
Về đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, sau khi có luật về sửa đổi một số điều khoản của Luật các tổ chức tín dụng thì Thống đốc sẽ ban có hướng dẫn cụ thể về từng bước xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Nhưng theo tôi quan trọng hơn là vấn đề cảnh báo, do vậy cần tăng cường kiểm tra, thanh tra các ngân hàng để sớm có cảnh báo, không để dẫn đến tình trạng phải kiểm soát đặc biệt, rồi phải phục hồi, hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể, đó là điều chúng ta cần phải tránh.
Vừa qua chúng ta đã hợp nhất, sáp nhập nhiều tổ chức tín dụng, mua lại ngân hàng 0 đồng để tách khỏi bộ máy những quản trị yếu kém đó, bảo vệ hệ thống ngân hàng. Chúng ta đã có kinh nghiệm rồi, vấn đề là cần thể chế, nên nếu lần này chúng ta thông qua được sửa đổi một số điều khoàn của Luật các tổ chức tín dụng thì sẽ giúp triển khai một cách tốt hơn.