Sáng 22-5, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục có ý kiến về chất lượng làm luật cũng như đề xuất xây dựng các luật mới.
Cần có Luật về an ninh kinh tế
ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần bắt đầu nghiên cứu ban hành Luật An ninh về kinh tế để xóa bỏ 7 nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế của đất nước.
7 nguy cơ kinh tế mà ĐB Lê Thanh Vân chỉ ra bao gồm:
Thứ nhất, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm do các hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại. Thực tế, đường lưỡi bò phi pháp xuất hiện ở các doanh nghiệp do người Trung Quốc nắm giữ về du lịch hay các hoạt động kinh doanh khác. Bản đồ đường lưỡi bò phi pháp thể hiện qua nhiều công cụ tác động đến chủ quyền quốc gia. Rồi các dự án bất động sản ven biển... Đó là những vấn đề đe dọa đến chủ quyền quốc gia thông qua hoạt động kinh tế, đặc biệt là hợp tác kinh tế quốc tế.
Thứ hai, những bất ổn về kinh tế vĩ mô thông qua các chỉ số về tăng trưởng, đầu tư công, an toàn chính sách tài khóa.
Thứ ba, là nguy cơ về tham nhũng thông qua dự án hợp tác quốc tế mà thấy rõ qua việc hợp tác đó để lẩn trốn âm mưu cá nhân, lợi ích nhóm để thao túng kinh tế.
Thứ tư, nguy cơ tham nhũng chính sách đầu tư thông qua quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất đai, các khiếu kiện từ chính sách đầu tư thông qua quy hoạch sử dụng đất.
Thứ năm, vấn đề an ninh về môi trường thông qua các dự án đầu tư hợp tác với nước ngoài; đặc biệt là các khu công nghiệp xả thải ra môi trường vô tội vạ, đe dọa đến môi trường sống, tính mạng của nhân dân.
Thứ sáu, an ninh về văn hóa xét từ về góc độ hợp tác đầu tư với nước ngoài.
Thứ bảy, tác động từ toàn cầu hóa sau nhìn nhận đại dịch Covid-19 toàn cầu.
Theo ĐB Lê Thanh Vân, sau đại dịch Covid-19, thế giới đang được vẽ lại địa chính trị, kinh tế, các lỗ hổng về toàn cầu hóa, các quốc gia đang nỗ lực để lấp lại những lỗ hổng và thắt chặt lại an ninh kinh tế theo cách riêng của mình.
Đó là bảo đảm nội lực để ngăn chặn các tác động xấu của ngoại lực, là an toàn thị trường trong nước dưới tác động của đại dịch Covid-19 có thể phá vỡ đi độ liên kết của các quốc gia trong hoạt động kinh tế. Do đó, một đạo luật An ninh về kinh tế để tập hợp các quy định rải rác ở văn bản khác, mang tính tố tụng về kinh tế, đặc biệt trong thu hút đầu tư để chế định tất cả vấn đề mang tính nguyên tắc nhất nhằm xử lý các vấn đề an ninh kinh tế là rất cần thiết.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, hiện nay, đã có nhiều lỗ hổng khi triển khai các dự án đầu tư.
“Có thể mục đích của các nhà đầu tư là không xâm phạm về chủ quyền của chúng ta, nhưng cũng không loại trừ có những thế lực thù địch họ xen vào, điều này đã xảy ra ở các quốc gia khác, do đó cần có bộ luật như một bộ lọc để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Đây là điều mà cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, hiện có tình trạng người nước ngoài mua đất ở khu vực nhạy cảm. Cử tri đã phản ánh nỗi lo ngại này nhiều lần. Không chỉ là vấn đề an ninh truyền thống mà còn là an ninh phi truyền thống, nhất là sau khi dịch Covid-19 xảy ra, nó có thể làm đảo lộn mọi thứ của thế giới, nhất là vấn đề an ninh kinh tế. Cần nghiên cứu để có bộ luật như bộ lọc về vấn đề an ninh, để khi đến Việt Nam làm ăn, các nhà đầu tư họ sẽ nghiên cứu trước.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng phân tích, Luật Đầu tư vẫn còn lỗ hổng. Ví dụ như quy định dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường; Dự án lấy 50ha đất rừng, phòng hộ trở lên thì phải xin ý kiến Quốc hội, nhưng 49ha thì lại không cần xin; trong khi đó ở khu vực nhạy cảm thì 10ha cũng là vấn đề. Hay những quy định về đầu tư gián tiếp hiện nay cũng còn nhiều vấn đề, trong khi ở nhiều quốc gia họ làm rất chặt chẽ.
“Dù Luật Đầu tư đã đưa vào một số điều khoản nhưng chưa thực sự làm chúng ta yên tâm về vấn đề này. Cần có luật về thu hút đầu tư nước ngoài bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc phòng, cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất Quốc hội nghiên cứu ban hành đạo luật về việc bảo vệ người làm việc tốt. ĐB cho hay, xã hội được điều chỉnh bởi nhiều hành vi trong đó có hành vi pháp luật và hành vi đạo đức. Do xã hội ngày càng phát triển và quy định pháp luật cũng ngày càng bao quát gần hết các hành vi của con người trong đời sống xã hội nên hành vi đạo đức dần bị thu hẹp. Nhiều việc chúng ta thấy người ngoài xã hội vô cảm trước những khó khăn, vô cảm trước các nguy hiểm có thể xảy ra với người khác.
Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh, một phần ít trong số đó là những người không tốt, còn lại thì những người không giúp đỡ người khác là do họ có tâm lý sợ phiền hà, sợ bị hiểu nhầm. Họ có thể giúp đỡ người khác mà không mong được trả ơn nhưng họ không làm bởi hành động của họ có rủi ro mà chưa được pháp luật bảo vệ. Bởi ngoài tự bảo vệ cho bản thân thì họ phải chăm lo cho gia đình.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, pháp luật mà chỉ quy định việc tốt là nghĩa vụ thì sẽ bị hạn chế vì từng con người mong muốn làm việc tốt.
“Vì vậy, để phát huy hành vi đạo đức trong xã hội, nhân lên nhiều việc tốt, tôi đề nghị quốc hội ban hành đạo luật bảo vệ người làm việc tốt mà nội dung chính là bảo vệ những người làm việc tốt khỏi những trách nhiệm về hành vi phạm tội, tránh phiền hà về thủ tục pháp lý, tránh bị tổn thương về thể xác, tinh thần. Miễn là người đó hành động hợp lý, thiện chí mà không đòi hỏi, kể công và cũng chống lợi dụng làm việc tốt để vi phạm pháp luật”, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị.