ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội), nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam có đề xuất đáng chú ý mà ông “mong muốn được Quốc hội cũng như cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét”.
Theo ông, một số nước đã áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất, nhập cảnh của công dân, có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh thì họ áp dụng thuế hoặc phí. Ví dụ, năm ngoái, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành đạo luật áp dụng từ ngày 7 tháng Giêng năm 2019, mỗi công dân Nhật Bản khi ra nước ngoài thì phải đóng một phí gọi là phí chia tay hay gọi là phí du lịch là 1000 yên/người, khoảng 9,3 USD.
Phí này được sử dụng để thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm sẽ thu được 400 triệu USD để hỗ trợ việc xuất, nhập cảnh cho công dân được tốt hơn; xây dựng hạ tầng giao thông du lịch ở một số vùng còn khó khăn cũng như thực hiện một số chính sách khác.
“Tôi có một suy nghĩ nên chăng Việt Nam cũng giống một số nước là khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay. Ta dùng số tiền này khoảng 3-5 USD/người khi xuất cảnh để trích một phần cho các cơ quan ngoại giao có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ công dân khi công dân Việt Nam ra nước ngoài gặp khó khăn; một phần để cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư nâng cấp máy móc kỹ thuật để đảm bảo cho việc công dân Việt Nam xuất cảnh thuận lợi hơn, các chiến sĩ khi công dân xuất, nhập cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn”, ĐB Nguyễn Quốc Hưng nói.
Một phần nữa từ phí này, theo ông, để đưa vào Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch, giúp cho quảng bá và đẩy mạnh du lịch nước nhà.
“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, học hỏi các nước để chúng ta có nguồn lực góp phần bảo hộ công dân tốt hơn”, ĐB Hưng Phát biểu.
Về dự luật này, ĐB Nguyễn Quốc Hưng cũng đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, không chỉ riêng xuất, nhập cảnh ra khỏi biên giới mà điều chỉnh cả vấn đề quản lý cũng như trách nhiệm của công dân Việt Nam, các cơ quan quản lý khi công dân Việt Nam ở nước ngoài.
“Đề nghị cấm công dân Việt Nam khi ra nước ngoài vi phạm luật pháp, phong tục tập quán của nước sở tại; cấm xâm nhập bất hợp pháp biên giới lãnh hải của nước ngoài, tránh trường hợp chúng ta xâm phạm biên giới đánh cá”, ĐB nêu.
Theo ông, hàng năm, hàng trăm công dân Việt Nam bị bắt giữ, Chính phủ phải thương lượng để đưa công dân về nước, EU cũng phạt thẻ vàng khi ngư dân vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá.
“Khi công dân Việt Nam ra nước ngoài phải cấm không được có những xâm phạm về luật pháp, phong tục tập quán, mất vệ sinh, vô văn hóa. Văn hóa bắt đầu từ đâu? Văn hóa bắt đầu từ sạch và đẹp. Cho nên công dân Việt Nam ra nước ngoài cũng phải bị nghiêm cấm những hành vi đó”, ông nói.
Theo ĐB Nguyễn Quốc Hưng, nghĩa vụ của công dân khi ra nước ngoài cũng phải nói rõ trong luật.
“Phải tuân thủ luật pháp nước sở tại, những quy định của nhà nước Việt Nam đối với công dân Việt Nam. Ở nước ngoài cũng phải giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Mỗi một công dân cũng phải là một đại sứ du lịch, có trách nhiệm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, có trách nhiệm nâng cao hình ảnh, vị thế của người Việt Nam”, ông nói.
Ngược lại, ĐB Nguyễn Quốc Hưng cũng đề nghị công dân phải được nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền hợp pháp khi ra nước ngoài.