Đáng chú ý, ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề cập đến tình trạng giá vé máy bay nội địa cao so với thu nhập bình quân của người dân.
Theo ĐB, những tháng đầu năm 2024 đến nay, giá vé tăng rất cao, trung bình từ 13 - 25%. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng, mặc dù giá vé máy bay nội địa có tăng nhưng vẫn trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định.
“Điều đó không sai so với quy định của pháp luật, nhưng so với giá vé máy bay của một số hãng các nước xung quanh, cũng như những chặng bay có quãng đường tương đương, thì giá vé bình thường các chặng bay nội địa nước ta chênh lệch cao so”, ĐB nêu.
Theo ĐB Huỳnh Thị Phúc, rất nhiều câu hỏi đặt ra: tại sao giá vé máy bay nội địa khá đắt so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam? Giá vé tiếp tục tăng cao khi người dân có nhu cầu sử dụng các dịch vụ đi lại trong các dịp lễ, tết, nghỉ hè. Tình trạng khan hiếm vé máy bay xảy ra thường xuyên trong khi hãng hàng không quốc gia vẫn báo lỗ. Điều này được cử tri phản ánh rất nhiều.
ĐB Phúc cũng đề cập, ở chặng bay đến huyện Côn Đảo, khi hãng hàng không Bamboo Airways dừng bay thì vé bay chặng này rất khó khăn, vé cao và hiếm. “Vì sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, vì quyền lợi và nhu cầu chính đáng của cử tri và nhân dân, đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo và có giải pháp”, ĐB Phúc nêu.
Theo ĐB, cần tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch trong các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng không để đưa giá vé quay trở về bản chất thực, để không còn dư luận về việc có hay không độc quyền, ghim vé máy bay, dẫn đến tình trạng khan hiếm và bán giá cao khi nhân dân có nhu cầu.
Mặt khác, cần thu hút đầu tư hạ tầng hàng không thay vì chỉ có Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), để kiểm soát hạn chế tối đa sự chồng chéo của thuế, phí trên mỗi chiếc vé bán ra, khiến giá vé tăng cao như thời gian qua.
Đặc biệt, ĐB đề nghị nên xem xét, cân nhắc lại quy định áp giá sàn hay giá trần đối với giá vé máy bay nội địa. Bởi giá vé máy bay nội địa tiếp tục tăng cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là ngành du lịch, nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong các dịp lễ, tết và các sự kiện quan trọng, mà còn tác động ngược lại đối với sự phát triển của ngành hàng không.
Về vấn đề giá vé máy bay cao, trong thảo luận tổ sáng 23-5, một số ĐB cũng đã đề cập. ĐB Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho rằng Nhà nước cần làm rõ nguyên nhân khiến giá vé tăng cao và giải pháp bình ổn. "Giá vé của chúng ta rất cao so với Thái Lan, đề nghị có gói hỗ trợ cho hàng không để có chương trình giảm giá, hỗ trợ phí dịch vụ tại sân bay”, ĐB Bùi Hoài Sơn nêu.
Ngoài ra, ngành du lịch và hàng không cần hợp tác chặt chẽ, đưa ra các sản phẩm khuyến mãi, giúp giảm giá vé máy bay. Về lâu dài, cần đầu tư trung tâm bảo dưỡng máy bay, hạ chi phí dịch vụ lĩnh vực này. Ngành hàng không Việt Nam vẫn thiếu tính cạnh tranh và thiếu sự hợp tác giữa hàng không và du lịch - 2 ngành này hiện vẫn mạnh ai nấy làm, lợi ai người ấy hưởng, không chia sẻ rủi ro.
Sáng 23-5, chia sẻ bên lề thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thuế, phí Nhà nước thu theo quy định và chiếm rất ít trong giá vé máy bay, phần có tỷ trọng nhiều hơn là phí dịch vụ ngành giao thông quản lý, các loại phí chiếm tỷ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay... Trong đó, Bộ Tài chính chỉ thu thuế VAT 8-10%, thuế thu nhập doanh nghiệp với các hãng hàng không.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thuế, phí là ngân sách nên nhiều nước đang muốn tăng nguồn lực công thông qua nâng thuế suất. Chẳng hạn, tại Hội nghị tài chính APEC vừa qua, chủ trương của Bộ trưởng Tài chính các nước là tăng sức mạnh tài chính công bằng thuế, để đối phó với già hóa dân số, dịch bệnh.
Tại Việt Nam, 4 năm qua Chính phủ đưa ra nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí khoảng 200.000 tỷ đồng một năm nhằm “khoan sức dân".