Chiều 23-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, ngân sách.
Các ĐBQH đều đánh giá cao những thành tựu về kinh tế - xã hội, trong bối cảnh thế giới phức tạp nhưng chúng ta giữ được ổn định và phát triển, kiềm chế được lạm phát, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, ĐBQH cũng lo lắng về nhiều bất cập, hạn chế hiện nay cả về kinh tế, xã hội.
Doanh nghiệp trong nước ngày càng "tụt" so với doanh nghiệp FDI
ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, nhất là khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi có tỷ trọng xuất khẩu chiếm tới 70%. Trong khi liên kết giữa FDI và DN nội địa yếu. Nguồn nguyên liệu nhập khá lớn, trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế thế giới có sự biến động, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo áp lực tỷ giá, lãi suất cao. Nhìn lại 1 năm qua hệ thống tài chính khá ổn định dù có biến động lớn từ bên ngoài, điều hành lãi suất, cung tiền, ngoại hối khá tốt, đây là thành công lớn của năm 2018, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ĐB Trần Anh Tuấn, số lượng DN chờ phá sản chiếm tỷ trọng cao, trên 50.000 doanh nghiệp, cho thấy hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh chưa đạt kỳ vọng.
Qua theo dõi chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, một số chi phí không được cải thiện như chi phí logistics, hiện phí này trong giá thành vẫn cao hơn 20%, khiến giá hàng hoá dịch vụ mức giá thành cao, sức cạnh tranh ngang giá so với sản phẩm cùng loại chưa hấp dẫn; chưa kể chất lượng, mẫu mã chưa cải thiện.
Đưa ra giải pháp, ĐB Trần Anh Tuấn cho rằng, ổn định kinh tế vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Chính sách tiền tệ cần thận trọng. Đơn cử từ nay tới cuối năm cần ưu tiên ổn định tỷ giá và cố gắng không tăng lãi suất, để kiểm soát chi phí hoạt động DN. Cũng cần thận trọng trong cung tiền, không nên cung tín dụng nhiều hơn 16%. Tín dụng dưới 16% là hợp lý. Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng dự trữ ngoại hối, khoảng 60 tỷ USD, để giữ cân bằng đồng tiền.
ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) cũng lo lắng về lượng DN giải thể lớn, tăng 46% so với cùng kỳ 2018. Vấn đề này cần nhìn nhận để có giải pháp. Chính phủ cần tạo môi trường để DN tư nhân phát triển. Theo cơ cấu lại nền kinh tế, sẽ chuyển từ chuyển đầu tư sang tăng năng suất lao động, ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên các ngành nghề đang là thế mạnh của Việt Nam như dệt may… đang ở phân khúc thấp, năng suất lao động thấp. Vì thế cần xem xét thực chất môi trường tăng trưởng đang có đang chuyển dần sang chiều sâu như kế hoạch đặt ra.
Phải đánh giá được chất lượng tăng trưởng mới tính toán được kế hoạch tái cơ cấu cụ thể. Xuất khẩu thì hiện xuất siêu, và FDI chiếm 70%. DN trong nước nhập siêu 16,51 tỷ USD trong khi FDI xuất siêu 22,83 tỷ USD.
“Môi trường DN trong nước ra sao khiến DN trong nước ngày càng "tụt" so với DN FDI”, ĐB Phạm Phú Quốc lo ngại.
ĐB Phạm Phú Quốc cũng cho rằng, hiện Việt Nam thiếu hẳn thị trường vốn để cung ứng cho DN, trong khi DN vẫn dựa chủ yếu vào vốn vay. Chính phủ cần sớm hình thành 2 trung tâm tài chính tại Hà Nội, TPHCM, muốn vậy cần nguồn lực đầu tư công cho 2 thành phố này.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tuy có tác động tới vĩ mô, nhưng tăng trưởng vẫn đảm bảo, kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 3 năm liên tiếp; cán cân thương mại liên tục cải thiện, năm 2015 nhập siêu, năm 2016 xuất siêu 1,6 tỷ USD; 2017 xuất siêu hơn 3 tỷ USD và 9 tháng năm 2018 xuất siêu hơn 3,6 tỷ USD. Tuy nhiên trong đó tỷ trọng đóng góp của FDI hơn 70%, là điều đáng lo”, ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích.
Người dân ĐBSCL "mơ" đường cao tốc Bắc - Nam
ĐB Trần Hoàng Ngân có nhiều lo ngại về vấn đề nông nghiệp, ĐB cho rằng vấn đề an ninh lương thực, an ninh nguồn nước cần phải đặt ra.
ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị cần có đầu tư hạ tầng cho các tỉnh ĐBSCL.
“Bà con trong đó nhìn thấy cao tốc ngoài Bắc mà mơ ước. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chưa biết bao giờ mới xong. Tôi đề nghị Chính phủ cần tập trung cho cao tốc Bắc - Nam, đó là cơ hội để giải quyết các bài toán cho nông nghiệp, nông dân, giảm chi phí sản xuất”, ĐB Trần Hoàng Ngân chỉ ra.
Vụ việc của GS Trương Nguyện Thành không được công nhận làm Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen phải quay về Mỹ cũng được ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn lại để cho thấy có những bất cập trong công tác thu hút nhân tài hiện nay. Chúng ta mở ra cơ chế để thu hút nhân tài nhưng lại bắt nhân tài nằm gọn trong cơ chế hiện hữu của chúng ta. Đó là điều phải rút kinh nghiệm sâu sắc, vì rất có thể những nhân tài khác sẽ nhìn vào đó mà rút lui, vì “tại sao người ta làm được Hiệu trưởng ở Mỹ mà không làm được Hiệu trưởng ở Việt Nam”.