ĐBQH đề nghị phục hồi nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Chiều 7-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Sửa Luật Điện lực nhưng vẫn thể hiện tính độc quyền của ngành điện

Phát biểu thảo luận, một số ý kiến cho rằng, dự thảo vẫn còn thể hiện tính độc quyền của ngành điện. Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh đã bắt đầu được triển khai trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, các chính sách thị trường điện cạnh tranh vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Người dân vẫn tồn tại tâm lý “điện là mặt hàng độc quyền”. Vì vậy, trong lần sửa đổi lần này, ĐB đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, đảm bảo tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh thực sự, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương).jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Các ĐB cũng đề nghị, tần suất điều chỉnh giá điện cần được tính lại, trước khi điều chỉnh cần công bố cho dân biết; công khai tất cả các chi phí cấu thành giá điện để bảo đảm công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, ĐB cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ giá điện cho người nghèo, người có thu nhập thấp..

Cũng về vấn đề độc quyền của ngành điện lực, ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) nêu, lưới điện quốc gia hiện nay khoảng 95% do nhà nước đầu tư thì không thể xã hội hóa như dự thảo luật. Do đó, ĐB kiến nghị sửa theo hướng “Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp’’.

ĐB cũng cho rằng, hiện nay đang thiếu điện nhưng Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đều đều cắt giảm, sa thải sản lượng điện của các dự án điện mặt trời áp mái quy mô nhỏ đã ký với nhà đầu tư hợp đồng 20 năm không có điều khoản cắt giảm, trong khi EVN tăng giá bán điện là chưa đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

ĐB cho biết thêm, trong dự thảo còn nhiều quy định, thể hiện sự độc quyền của ngành điện lực, ví dụ quy định tổ chức cá nhân có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị mua điện về tỷ lệ sản lượng điện dư hoặc bên bán điện chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống đo đếm. “Giữa các doanh nghiệp và điện lực là phải hợp tác bình đẳng, nên bỏ những chữ trách nhiệm’”, ĐB Duy Thanh nêu. Cũng theo ĐB, nhu cầu về điện ngày càng tăng cao, nhưng dự thảo thắt chặt, kiểm soát nguồn cung, cũng như quy định nhiều giấy phép tại dự thảo luật sẽ đẩy giá điện tăng cao như hiện nay, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau).jpg
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau). Ảnh: QUANG PHÚC

Về xuất khẩu điện, dự thảo quy định giá xuất khẩu điện do đơn vị điện lực xây dựng, trong trường hợp xuất khẩu điện với nước ngoài qua điện lưới quốc gia, bên bán điện căn cứ quy định giá bán lẻ điện để thỏa thuận thống nhất với bên mua điện.

“Tôi cho rằng quy định nêu trên là chưa phù hợp vì việc đầu tư là do doanh nghiệp, nên giá bán điện phải do doanh nghiệp quyết định sau khi làm nghĩa vụ nộp ngân sách với nhà nước, nếu đơn vị điện lực quyết định giá thì dẫn đến thua lỗ và vô lý”, ĐB Duy Thanh kiến nghị.

Ông dẫn chứng, Cà Mau có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký đầu tư điện gió để xuất khẩu, hiện tại có các đối tác của Singapore đang đặt vấn đề mua điện của Cà Mau, kéo lưới điện cáp ngầm vượt biển từ Mũi Cà Mau đến Singapore không thông qua lưới điện quốc gia, “tiền doanh nghiệp đầu tư thì nên để doanh nghiệp tự thỏa thuận giá hợp lý để bán cho đối tác nước ngoài, vì vấn đề này không liên quan đến EVN”.

Cần có quy định cụ thể về quản lý, xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, quy định nhà nước độc quyền đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220kv trở lên, nhà máy điện hạt nhân là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay nước ta đã có nhà máy thủy điện tầm cỡ quốc gia nhưng nhưng chưa có nhà máy điện hạt nhân.

Các quốc gia trên thế giới cũng đã có xu hướng tái khởi động hoặc phục hồi lại những nhà máy điện trước đây đã đóng cửa trong điều kiện bị thiếu hụt điện năng. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ nghiên cứu có thể phục hồi lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận hoặc khởi động dự án khác trong thời gian sớm nhất, với điều kiện đảm bảo an toàn về môi trường, sức khỏe của người dân và quốc phòng an ninh.

2.jpg
ĐB Phạm Văn Hòa

ĐB Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các dự án điện là rất cần thiết, vì nhu cầu sử dụng điện trên các lĩnh vực là rất lớn, nguồn lực của nhà nước có hạn, do đó, cần có chính sách để thu hút đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước và từng thời kỳ Chính phủ có quy định cụ thể, nhất là các chính sách phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, khi mà có nhiều nơi vẫn chưa có điện để sử dụng.

Tán thành chính sách phát triển năng lượng tái tạo, điện năng mới trong đó có điện gió điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện sóng biển, nhưng ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, trước khi xây dựng dự án cần có sự đánh giá tác động. Mặc khác, cần có quy định cụ thể về quản lý, xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời vốn tiềm ẩn nguy cơ đối với môi trường rất lớn; cần có đánh giá tác động về môi trường về vấn đề này.

Không thể để ngành điện báo lỗ hàng năm do phải bù chênh lệch giá

Về giá điện và giá dịch vụ về điện, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị làm rõ, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định, cơ chế giá điện hai thành phần, có lộ trình rõ ràng về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng, theo nguyên tắc thị trường, khuyến khích tiết kiệm điện sản xuất.

“Tôi đồng tình việc thực hiện giá điện 2 thành phần là công suất và sản lượng để cho rõ ràng minh bạch, chấm dứt việc bù chéo giữa các khách hàng với nhau, không thể để khách hàng này thu giá cao bù cho khách hàng khác thu giá thấp, như vậy sẽ không khuyến khích tiết kiệm sử dụng, không bình đẳng; cần phải áp dụng theo giá thị trường, còn các chính sách ưu đãi thì nhà nước bù đắp. Không thể để ngành điện báo lỗ hàng năm do phải bù chênh lệch giá. Mua cao phải bán cao, không thể mua cao lại bán thấp”, ĐB Phạm Văn Hòa nêu.

Đáng chú ý, về thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi), một số ĐB cho rằng, còn quá nhiều nội dung cần phải thảo luận thật kỹ nhằm tránh trường hợp luật được Quốc hội bấm nút thông qua nhưng khó tổ chức thực hiện; các chính sách sửa đổi đều là những nội dung mang tính dài hạn, đó là sự phát triển lâu dài, ổn định của điện lực quốc gia. Vì thế, đề nghị Quốc hội cân nhắc thật kỹ lưỡng theo hướng thông qua Luật Điện lực sửa đổi tại 2 kỳ họp (trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9).

Tin cùng chuyên mục