ĐBQH đề nghị không thanh toán bằng quỹ đất đối với hợp đồng BT

Chiều 6-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Các đại biểu dự phiên thảo luận chiều 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Các đại biểu dự phiên thảo luận chiều 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Quan tâm về Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức PPP còn rất hạn chế.

Trong đó có các nguyên nhân: các dự án khó giải phóng mặt bằng, lưu lượng người lưu thông ít, địa hình đồi núi... thì kêu gọi đầu tư PPP, còn dự án thuận lợi về giải phóng mặt bằng, lưu lượng xe lưu thông nhiều thì đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đó là điều không hợp lý, thiếu công bằng với dự án PPP, do đó, không thu hút được nhà đầu tư.

2.jpg
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

Mặt khác, chúng ta chưa giải quyết dứt điểm các dự án BOT còn tồn tại ở các địa phương chưa được phép thu phí hoặc chấm dứt thu phí, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong trả nợ ngân hàng. Các dự án mới, ngân hàng cũng ngần ngại cho vay, dù nhà đầu tư có khả năng thanh toán. Do đó, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, việc bổ sung, sửa đổi một số nội dung điều chỉnh cho các dự án PPP là cần thiết.

ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng từng dự án, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư. Về quy trình, dự án PPP không phải thực hiện các bước thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, không sử dụng vốn nhà nước, ĐB đề nghị cân nhắc thẩm định rõ nguồn vốn và khách quan trong đầu tư, thời gian thực hiện, nhằm hạn chế việc nhà đầu tư lách luật, kéo dài dự án để thu phí.

M.jpg
Các đại biểu dự phiên thảo luận chiều 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Về hợp đồng xây dựng - chuyển giao BT, lĩnh vực này chỉ mới cho phép áp dụng thực hiện thí điểm ở TPHCM, Hà Nội, Nghệ An, chưa được tổng kết đánh giá tác động đầy đủ, chưa có thời gian để rút kinh nghiệm thực tế, do đó, ĐB đồng tình với cơ quan thẩm tra là chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế trình tự thủ tục của loại hợp đồng BT.

Điều này nhằm bảo đảm không để xảy ra tiêu cực như thời gian qua, không ít quan chức phải vướng vòng lao lý. “Bởi việc chuyển giao cho nhà đầu tư bằng tiền, bất động sản nếu chưa tính toán đầy đủ sẽ bị thất thoát tài sản Nhà nước hoặc nhà đầu tư bị thiệt thòi, tùy theo các dự án, thay vì BT thì nhà nước đầu tư công hoặc đầu tư PPP sẽ thuận lợi hơn”, ĐB Phạm Văn Hòa nêu.

P.jpg
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc). Ảnh: QUANG PHÚC

Các ĐB đề nghị bảo đảm tính khả thi của quy định về loại hợp đồng BT theo nguyên tắc đổi mới toàn diện, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị không thanh toán bằng quỹ đất đối với hợp đồng BT. Nếu là quỹ đất sạch để đấu giá đất thì giá đất được xác định theo bảng giá đất do HĐND tỉnh ban hành, không thông qua đấu giá đất đối với đất chưa giải phóng mặt bằng nhưng lại được giao đất là chưa phù hợp.

“Tôi đề nghị nên thanh toán đối với các dự án theo hợp đồng BT bằng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền đấu giá quyền sử dụng đất như thí điểm tại một số tỉnh. Tức là cùng với thời điểm thực hiện công trình BT, Nhà nước tiến hành đấu giá đất đối với những quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý hoặc Nhà nước quy hoạch ngay khu đất để bán đấu giá thu tiền, thanh toán cho dự án BT”, ĐB Trần Văn Tiến nêu.

Tin cùng chuyên mục