Chiều 27-7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Các ý kiến phát biểu quan tâm đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mà Chính phủ đã trình Quốc hội.
Theo đó, Chính phủ dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 như sau. Tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng. Dự phòng vốn ngân sách Trung ương là 10% (150.000 tỷ đồng) bằng với mức dự phòng giai đoạn 2016-2020.
Mức dự phòng ngân sách địa phương do HĐND tỉnh quyết định. Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án (đến thời điểm hiện nay khoảng 4.979 dự án), giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.
Thảo luận về vấn đề này, các ĐBQH đều có chung đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công. Việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu ngân sách nhà nước thực tế từ thực lực của nền kinh tế, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau. Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…
ĐB đề nghị Chính phủ phải hết sức kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề đầu tư công. Bởi vốn đầu tư công là tiền thuế của nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân, đó không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Không được để tình trạng có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình quyền ban phát cũng như phải chấm dứt câu chuyện về cơ chế xin - cho.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai và một số ý kiến khác cũng đề nghị phải đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công. Bên cạnh động viên những địa phương thực hiện tốt, cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ. Song song đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư công.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 2.870.000 tỷ đồng không phải nhiều. Do đó, vốn đầu tư công chỉ là vốn mồi, tạo điều kiện thu hút vốn tư, nên phải đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đã có bài học về dự án đầu tư PPP thành công như sân bay Vân Đồn, đường cao tốc Vân Đồn - Quảng Ninh, nên cần phát huy mạnh. ĐB góp ý, nếu dự án không hấp dẫn thì chia nhỏ dự án để nhà nước đầu tư chỗ khó khăn, còn lại kêu gọi vốn tư xã hội.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công như giải ngân vốn chậm, thất thoát, lãng phí.…, trong đó có nguyên nhân chủ yếu từ khâu tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ triển khai các biện pháp khắc phục tình trạng dự án dàn trải, chưa bám sát vào quy hoạch, nặng bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, chạy theo phong trào, theo đề xuất của nhà đầu tư và mang lợi ích nhóm…
Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số ĐB cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cần tập trung tạo nguồn cho ngân sách Trung ương. Như thế mới có thể đạt được kế hoạch thực hiện nguồn vốn 2.870.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025.
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, cần có sự tách bạch các mục tiêu thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia trong từng năm. Không nên xây dựng một kịch bản chung mà cần có phương án kế hoạch tài chính theo từng giai đoạn nhỏ hơn để đảm bảo tính khả thi cao.
Ví dụ như kịch bản thứ nhất là kế hoạch tài chính trong bối cảnh đại dịch có thể kết thúc vào năm 2022. Kịch bản thứ hai là kế hoạch tài chính trong bối cảnh đại dịch khó kết thúc. Chính phủ cần xây dựng một kịch bản dự phòng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh khó kiểm soát trong cả giai đoạn.
Liên quan đến kế hoạch vay, trả nợ công, giai đoạn 2021-2025, một số đại biểu cho rằng, chi phí vay vốn từ nước ngoài thời gian tới có thể cao, áp lực trả nợ có nguy tăng vượt ngưỡng 25% trong năm nay khi kỳ hạn trả nợ gốc bị rút ngắn, việc bố trí vốn đối ứng gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc đánh giá, so sánh chi phí lãi vay trong nước và các hiệp định vay nước ngoài cần có tính toán cụ thể để lựa chọn chi phí lãi vay tối ưu nhất.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công như giải ngân vốn chậm, thất thoát, lãng phí..., trong đó có nguyên nhân chủ yếu từ khâu tổ chức thực hiện.
Mặc dù luật đã quy định về phân cấp, phân quyền nhưng trên thực tế, địa phương vẫn né tránh, vẫn hỏi Trung ương vừa mất thời gian, vừa không rõ hiệu quả quản lý. Theo quy định, Trung ương chỉ phân bổ vốn, địa phương chủ động từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và toàn bộ quá trình thực hiện.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ triển khai các biện pháp khắc phục tình trạng dự án dàn trải, chưa bám sát vào quy hoạch, nặng bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, chạy theo phong trào, theo đề xuất của nhà đầu tư và mang lợi ích nhóm…