ĐBQH đề nghị cần phân hai luồng giá viện phí: Theo bảo hiểm y tế và theo yêu cầu

Các ĐBQH đều đánh giá cao dự thảo lần này đã tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu, cho rằng dự thảo luật trình ra Quốc hội được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nhiều nội dung cập nhật hợp lý, kịp thời và dự thảo luật lần này cơ bản đủ điều kiện thông qua tại kỳ họp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại của ngành y tế.

Chiều 6-1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) sửa đổi.

Phiên họp Quốc hội chiều 6-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Phiên họp Quốc hội chiều 6-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật về: hành nghề KBCB; tự chủ đối với cơ sở KBCB; điều kiện về KBCB; xã hội hóa trong hoạt động KBCB; giá dịch vụ KBCB…

Đáng chú ý, một số ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ sự cần thiết phải quy định cấp giấy phép hành nghề có thời hạn. ĐB Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, dự thảo luật quy định giấy phép hành nghề có thời hạn là 5 năm, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ sự cần thiết phải quy định cấp giấy phép hành nghề có thời hạn.

Theo ĐB Nguyễn Quốc Luận, hiện nay, cán bộ y tế làm việc cho các cơ sở y tế phải có nghĩa vụ tham gia các khóa đào tạo liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhiệm (theo quy định tại Thông tư số 22 năm 2013 của Bộ Y tế). Dự thảo luật cũng yêu cầu cán bộ y tế có trách nhiệm cập nhật kiến thức y khoa liên tục, phù hợp với phạm vi ngành nghề.

Do vậy, việc đánh giá lại năng lực và cấp lại chứng chỉ hành nghề là không cần thiết, tăng thêm các thủ tục hành chính, gây tốn kém, phiền hà, khó khăn cho cán bộ y tế các cấp, đặc biệt là đối với cán bộ y tế đang công tác tại các địa bàn vùng núi cao có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

ĐB Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

Là người làm trong ngành y, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhất trí với việc Quốc hội thông qua dự án Luật KBCB (sửa đổi) tại kỳ họp này, vì về cơ bản, dự án luật đã có thể giải quyết được những vướng mắc, bất cập hiện nay của ngành y.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nổi lên 2 vấn đề là giá dịch vụ KBCB và tự chủ bệnh viện. Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, cần phân hai luồng giá viện phí. Một là, giá được bảo hiểm chi trả. Đây là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả.

Luật cần nêu rõ vấn đề này, bởi đây chính là việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng. Vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm xã hội tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc KBCB. Luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. Ảnh: QUANG PHÚC

Hai là, giá KBCB theo yêu cầu, đây là chính là động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển. Do đó, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng KBCB theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như về trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám, các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt. Cùng với đó, việc thanh, kiểm tra, rà soát giá KBCB bảo đảm công khai, giải trình tường minh cũng là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và cơ quan thanh thanh tra, kiểm tra.

Về vấn đề tự chủ bệnh viện, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng đây là vấn đề khó nhưng nếu đã giải quyết được vấn đề giá KBCB thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh. Luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty nhưng có thêm nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe cho người dân trong các tình huống cấp cứu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM bên hành lang Quốc hội chiều 6-1. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM bên hành lang Quốc hội chiều 6-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Có ý kiến tương tự, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đồng tình với nguyên tắc giá dịch vụ tính đúng, tính đủ chi phí KBCB, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, cơ sở KBCB và người bệnh. Tuy nhiên, các nội dung cụ thể của dự thảo luật lại chưa cụ thể hóa các nguyên tắc vừa nêu.

Về giá dịch vụ KBCB, ĐB Hoàng Văn Cường cho biết, hiện nay đang quy định những bệnh viện tự chủ cao nhất được quyền xác định giá dịch vụ KBCB trong phạm vi khung giá hay mức giá cao nhất của Bộ Y tế quy định. Quy định như vậy có 2 điều mâu thuẫn.

Thứ nhất, vô hình trung tất cả những dịch vụ y tế của bệnh viện tự chủ đều được xác định một mức giá cao hơn giá do nhà nước quy định, như vậy vô hình trung đã loại bỏ cơ hội cho những người thu nhập thấp không thể nào tiếp cận được những bệnh viện tự chủ.

Mâu thuẫn thứ hai, giá dịch vụ cao nhưng không vượt quá khung của nhà nước quy định, sẽ có một số dịch vụ cần sử dụng những biện pháp kỹ thuật cao, cần phải có chi phí nhiều hơn sẽ không thực hiện được. Như vậy, người dân có khả năng chi trả, muốn được sử dụng các dịch vụ cao hơn hẳn cũng không đáp ứng được và phải sang khu vực bệnh viện tư nhân.

Quy định như vậy vừa loại bỏ cơ hội tiếp cận của người thu nhập thấp, vừa loại bỏ cơ hội, mong muốn được hưởng dịch vụ cao của người thu nhập cao, vừa loại bỏ cơ hội để cho các bệnh viện tự chủ vươn lên, nâng cao trình độ.

Các ĐB bên hành lang Quốc hội, chiều 6-1. Ảnh: QUANG PHÚC
Các ĐB bên hành lang Quốc hội, chiều 6-1. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Khương Thị Mai (Nam Định) cũng cho rằng, giá dịch vụ KBCB cần đảm bảo đủ các yếu tố cấu thành để các cơ sở KBCB có đủ điều kiện, nguồn kinh phí để đầu tư, đảm bảo đời sống cho đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế…

Tin cùng chuyên mục