Chiều 14-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) góp ý về hạn mức thời hạn sử dụng đất. ĐB đề nghị cân nhắc có nên áp dụng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hay không. Theo ĐB, nên giao cho người sử dụng lâu dài, nếu cần thiết Nhà nước thu hồi có đền bù. Nếu quy định thì ban soạn thảo cần giải thích vì sao phải có quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. Về việc giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá cho nhiều đối tượng, trong đó có công chức, viên chức, sĩ quan quân đội được cấp thẩm quyền chuyển công tác sang tỉnh khác, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị giải trình rõ hơn về quy định này để tránh so bì, tránh bị lạm dụng gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
ĐB Phạm Văn Hòa cũng đề nghị bổ sung đối tượng được giao đấu giá đất trong khu dân cư, khu đô thị, khu trung tâm thương mại mà không sử dụng thời hạn 3 năm kể từ khi có quyết định giao đất mà không xây dựng thì Nhà nước thu hồi lại. “Quy định như vậy người trúng giá đất mới không để hoang hóa, đầu cơ đất, không có lợi cho xã hội”, ĐB Phạm Văn Hòa phát biểu.
Về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích quốc phòng, quốc gia công cộng, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị tách bạch ra khỏi các dự án mới sinh lợi, có chênh lệch địa tô của nhà đầu tư như khu đô thị, khu trung tâm thương mại, khu dân cư, dự án chỉnh trang đô thị để phân biệt dự án cho mục đích công cộng và dự án có sinh lợi. Điều này nhằm dễ dàng cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân khi bị thu hồi đất, không để đánh đồng các dự án có chênh lệch địa tô cao với các dự án phục vụ công cộng được…
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, đất đai là vấn đề mà nhân dân và nhiều cử tri phản ánh, than phiền, khiếu kiện nhiều nhất. Ở Việt Nam, hầu hết tỷ phủ giàu lên rất nhanh là nhờ đất hoặc liên quan đến đất. Nhiều vụ tham ô lớn đều liên quan đến đất, qua đó đã nói lên sự cấp thiết phải sửa đổi luật này. Dân số càng đông, đất càng tăng về giá trị. Kinh tế càng phát triển, đất càng lên giá. Góp ý về vấn đề bỏ khung giá đất, bỏ khung giá quyền sử dụng đất, ĐB Nguyễn Anh Trí nêu rõ, đây là việc rất nên làm theo Nghị quyết số 18 của Trung ương để giải quyết những bất hợp lý, tồn tại lâu nay, làm tắc nghẽn quá trình đền bù giải tỏa.
ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị ban soạn thảo cần có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá quyền sử dụng đất, để khi bỏ khung giá quyền sử dụng đất thì vẫn đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả. Đồng thời cần quy định rõ chức năng, vai trò và nhiệm vụ của hội đồng thẩm định giá quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, đề cập đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị luật sửa đổi phải sửa cho hợp lý, nhất là việc dự án tự thỏa thuận, vì đây là điểm nghẽn, tắc nghẽn lớn trong thực tiễn khi triển khai các dự án hiện hiện nay, đặc biệt là các dự án vừa và nhỏ mang tính an sinh xã hội.
“Tốt nhất đề nghị chính quyền địa phương phải triển khai đền bù giải tỏa theo quy định của pháp luật để giao đất sạch cho chủ đầu tư thực hiện các dự án”, ĐB Anh Trí phát biểu.
Liên quan đến việc chia đất, phân lô, bán nền, ĐB Nguyễn Anh Trí nhận xét có thể nói là một cách làm lạc hậu, gây tốn kém quỹ đất, dễ tiêu cực, đặc biệt là xây dựng lô nhô, lắt nhắt, phá vỡ cảnh quan, phá vỡ quy hoạch.
ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng, cùng với sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, sửa Luật Đất đai lần này cần chấm dứt kỷ nguyên nhà ống bất hợp lý, mất mỹ quan và rất tiêu cực, hiện nay ở Việt Nam. Quy hoạch đất đai phải cần chuẩn xác để nhân dân có nơi sống tốt, hợp lý và đẹp nhất có thể. Đồng thời cần lưu ý phối hợp với Luật Quy hoạch để có thêm đất không gian ngầm ngay dưới các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.
Ngoài ra, ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị sửa đổi Luật Đất đai lần này phải làm sao đưa các vùng đất đang bị bỏ rơi, bị hoang hóa, không quy hoạch, không được sử dụng sẽ được đưa vào sử dụng hiệu quả và hữu ích.