Sáng 5-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025.
Đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá việc phân bổ vốn đầu tư công ở nước ta thời gian qua đã có những thay đổi căn bản cả về lượng và chất. Nổi bật là hệ thống đường cao tốc, đầu nhiệm kỳ có 1.000 km, đến nay đã đưa vào khai thác trên 2.000 km, đến hết năm 2025 sẽ có 3.000km đường cao tốc hoàn thành. Có thể nói, đầu tư công đã bám sát mục tiêu thực hiện khâu đột phá chiến lược là phát triển kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, ĐB cho rằng, khâu đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố con người, vốn luôn được đánh giá là khâu đột phá có vai trò quyết định lại chưa được quan tâm đầu tư ở mức cần thiết. Điển hình là đầu tư cho giáo dục và y tế còn mờ nhạt.
ĐB Hoàng Văn Cường nêu, năm 2024, tổng số đầu tư công khoảng 120.000 tỷ đồng thì Bộ Y tế được phân bổ khoảng 1.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 1%; Bộ GD-ĐT được phân bổ 1.500 tỷ đồng, chiếm 1,2%. Năm 2025, tổng số vốn đầu tư công dự kiến khoảng 148.000 tỷ đồng thì Bộ Y tế được phân bổ 5.700 tỷ đồng, chiếm 3,7%; Bộ GD-ĐT được phân bổ 2.900 tỷ đồng, chiếm 1,9%. Trong phương án phân bổ vốn dự phòng giai đoạn 2021-2025 và vốn tăng thu ngân sách năm 2022, tổng cộng khoảng trên 50.000 tỷ đồng thì cả 2 lĩnh vực giáo dục và y tế đều không có tên.
ĐB cho rằng, với mức phân bổ vốn đầu tư phát triển cho y tế và giáo dục thấp như thế thì đương nhiên các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT không có vốn đầu tư phát triển. “Chúng ta đang nói rất nhiều đến việc thúc đẩy các trường đại học và các bệnh viện phải thực hiện cơ chế tự chủ. Nhưng nếu chỉ thúc ép thực hiện tự chủ mà không có đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu thì hậu quả sẽ thế nào”, ĐB đặt câu hỏi.
ĐB Hoàng Văn Cường dẫn chứng từ câu chuyện của Bệnh viện đa khoa và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ là 2 bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ, từ cổng đến các khu điều trị đẹp như khách sạn 5 sao, thực hiện tự chủ hoàn toàn, trình độ kỹ thuật về hỗ trợ sinh sản được xếp nhóm 5 toàn quốc. Tuy nhiên, điều trăn trở của lãnh đạo bệnh viện không phải là kỹ thuật y khoa, cũng không phải là vướng mắc trong mua sắm thuốc hay thiết bị y tế, mà là làm thế nào để để trả lãi 11% vốn vay xây dựng cơ sở vật chất hiện đại đó.
ĐB phân tích, nếu chỉ tính khấu hao để tái đầu tư và bù đắp chi thường xuyên theo đúng tinh thần tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên thì bệnh viện rất yên tâm thực hiện tự chủ, giá dịch vụ y tế cũng sẽ ở mức vừa phải, người bệnh có thể chi trả được. Nhưng nếu phải cộng thêm vào đó chi phí lãi suất vốn vay 11% nữa thì giá dịch vụ y tế sẽ đội lên rất cao. Điều vô lý là người bệnh đáng ra chỉ phải trả chi phí dịch vụ khám chữa bệnh, bây giờ phải trả thêm một khoản nữa là lãi vay ngân hàng. Đây là lý do vì sao các bệnh viện lớn ở Trung ương không dám nhận thực hiện tự chủ hoàn toàn.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với các trường đại học tự chủ. Nếu được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu đầy đủ thì các trường chỉ phải lo khấu hao để tái đầu tư và chi thường xuyên, như thế chi phí đào tạo mới thấp. Nếu vay đầu tư thì sẽ dội vào học phí của người học, đó là lý do khi các trường đại học tự chủ thì có mức học phí rất cao, bởi vì rất có thể trong học phí đó có cả tiền lãi suất ngân hàng và tiền vốn đầu tư ban đầu.
Từ thực tế đó, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu cứ để cho các bệnh viện và các trường đại học tự chủ, phải tự lo, tự xoay (tự đi vay vốn, tự lo trả lãi và trả vốn), hậu quả là người bệnh và người học phải gánh chịu chi phí dịch vụ cao, nghĩa là thành cơ chế thị trường, không còn là định hướng XHCN.
Do vậy, ĐB đề nghị cần cân nhắc lại việc phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các cơ sở y tế và giáo dục, ít nhất phải đủ đầu tư xây dựng và trang bị cơ sở vật chất ban đầu. Sau đó giao cho các trường, các bệnh viện tự chủ: tự lo khấu hao để tái đầu tư và bù đắp chi phí thường xuyên. Chỉ có như vậy, các cơ sở y tế, giáo dục mới thực hiện tự chủ đúng nghĩa, người bệnh và người học không phải gánh chịu những chi phí cao.
“Biết rằng đầu tư lĩnh vực nào cũng quan trọng, cấp bách, song nếu chỉ cần điều chuyển bớt một phần nhỏ từ các lĩnh vực khác chuyển sang y tế và giáo dục thì hàng triệu người học, hàng chục triệu người bệnh sẽ được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn, chi phí hợp lý hơn, mục tiêu phát triển toàn diện nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là động lực phát triển bền vững”, ĐB Hoàng Văn Cường phát biểu.
Cùng mối quan tâm, ĐB Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nêu rõ, các nguồn thu ngoài học phí và ngân sách phải chiếm khoảng 50% cho các khoản chi của đại học, vì nếu phát triển được nguồn lực thì sẽ giảm được gánh nặng học phí và chi ngân sách.
Theo ĐB Lê Quân, khi đã xác định giai đoạn sắp tới cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo hướng đến kỷ nguyên vươn mình, cần chú trọng tới giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và KHCN. Nếu đầu tư tốt cho 3 lĩnh vực này trong thời gian tới thì sẽ tạo ra bứt phá, đem đến kết quả lâu dài cho các giai đoạn sau.
ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đồng tình với việc tăng chi cho GD-ĐT và quan tâm hơn nữa cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.