Kiểm toán Nhà nước cho rằng, số liệu tăng trưởng mấy năm trở lại đây tăng giảm thất thường, không hợp lý, lúc lên cao, lúc lại đột ngột giảm xuống. Điển hình là tốc độ tăng của năm 2017, không theo logic thông thường. Cuối năm tăng trưởng rất cao, đầu năm sau thì đột ngột giảm xuống.
Trong phiên thảo luận về kinh tế sáng 31-10 tại Quốc hội, đáng chú ý, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, số liệu tăng trưởng mấy năm trở lại đây tăng giảm thất thường, không hợp lý, lúc lên cao, lúc lại đột ngột giảm xuống. Điển hình là tốc độ tăng của năm 2017, không theo logic thông thường. Cuối năm tăng trưởng rất cao, đầu năm sau thì đột ngột giảm xuống.
Cụ thể, quý 4 năm 2015, cả nước tăng trưởng đạt 7,01% thì quý 1 năm 2016 rơi xuống 5,48%. Mức tăng trưởng này tăng dần ở quý sau và đạt 6,68% ở quý 4 năm 2016, nhưng lại đột ngột giảm ở quý tiếp theo.
Với số liệu thống kê trên, cử tri cho rằng nếu thống kê đúng thì tăng trưởng có những bất hợp lý, trái với logic thông thường. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ và có biện pháp khắc phục ngay.
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ). Ảnh: LÃ ANH Bên cạnh đó, ĐB Hoàng Quang Hàm cũng chỉ ra thực trạng phân bổ vốn đầu tư công chưa hợp lý. Ví dụ năm 2018, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, phần lớn là tiền vay thì phân bổ cho đầu tư phát triển lại dàn trải.
"Đơn cử kỳ họp này Quốc hội bàn về dự án cảng Hàng không quốc tế Long Thành và chủ trương đầu tư cao tốc Bắc Nam, nhưng chưa bố trí vốn trong kế hoạch năm 2018 nên không có nguồn tiền để thực hiện các dự án này. Sẽ phải đợi. Hay Ngân sách sách dành 80.000 tỷ dành cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng đã 3 năm chưa bố trí và giải ngân được vốn. Chính phủ cần nhìn nhận nghiêm túc và có giải pháp nếu muốn đạt mục tiêu phát triển", ông Hàm nói.
ĐB Hoàng Quang Hàm cũng lo ngại về tình thực trạng nợ công sát trần (62,2%), thu ngân sách có thể không đạt kế hoạch trung hạn nhưng kỷ luật tài khoá chưa nghiêm. Cụ thể, nợ công dự báo đến 2020 vào khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm 7%-8% tổng chi ngân sách. Bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư trả nợ, nguồn trả nợ từ vay mới, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 không khắc phục được nợ, nguồn vay lên tới 252.000 tỷ đồng…
Nhưng qua thanh tra thì thấy nhiều khoản chi sai, công trình kéo dài chậm đưa vào sử dụng… ĐB đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ việc ký kết và sử dụng vốn vay ODA; cân nhắc cắt giảm 13.000 tỷ đồng trái phiếu chưa phân bổ. ĐB Hoàng Quang Hàm cũng kiến nghị phải có những báo cáo để giám sát nợ công.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cũng bức xúc vì tình trạng bố trí vốn đầu tư công, nhiều nơi cần thì không có, nhiều nơi có vốn thì không giải ngân. Năm 2018 cần giải quyết triệt để điều này.
PHAN THẢO