ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị nên có cân nhắc tiếp tục duy trì quỹ này hay không, vì quỹ không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, nguồn hình thành từ giá do người tiêu thụ chi trả. Hiện tại, người tiêu dùng trả 300 đồng trên 1 lít, nhưng lại do doanh nghiệp quản lý quyết định. Người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng quỹ nên rất bất cập, nghi ngờ có thể gian dối.
Mặt khác, giá xăng, dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, cần theo cơ chế thị trường sẽ phù hợp hơn. Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước sẽ điều tiết giá xăng, dầu bằng công cụ khác như thuế, phí để hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng cho rằng, việc bình ổn giá là chúng ta can thiệp vào hoạt động của thị trường, tuy nhiên nó chỉ ở một vài thời điểm nhất định và trong một vài trường hợp nhất định chúng ta mới thực hiện quyền năng này.
“Đặc biệt là đối với mặt hàng xăng, dầu, những gì đang diễn ra cho thấy chúng ta cần phải có những sự điều chỉnh thật sự phù hợp trong bình ổn giá. Chúng ta xác định mục tiêu để cho thị trường được ổn định, nhưng chúng ta cũng cần phải bảo đảm lợi ích, quyền của doanh nghiệp”, ĐB nói.
Theo ĐB Trịnh Xuân An, tại sao doanh nghiệp xăng dầu nói rằng càng nhập, càng bán thì càng lỗ? Xác định mối quan hệ này thế nào để thực hiện thật sự hài hòa? ĐB không đồng tình với việc tiếp tục duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu.
“Chính phủ giải trình là phải giữ quỹ. Liên quan đến quỹ này, báo cáo giải trình có nêu một ý mà tôi cho rằng phải làm rõ thêm, đó là sử dụng từ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là bước đệm để quản lý, sử dụng giá xăng, dầu. Tôi không hiểu bước đệm này là bước đệm gì? Đề nghị Ban soạn thảo hết sức nghiên cứu vấn đề này. Chúng ta còn rất nhiều công cụ khác để điều chỉnh, không nhất thiết chúng ta phải để một quỹ đang còn rất nhiều vấn đề phải tranh luận, nhiều vấn đề phải tiếp tục làm rõ”, ĐB Trịnh Xuân An nói.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) cũng cho rằng, từ đầu tháng 10 đến nay, tình trạng đứt gãy nguồn cung khan hiếm xăng, dầu xảy ra trên diện rộng. Không hiếm gặp hình ảnh các cây xăng đóng cửa hay người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua. Vậy không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu ở đâu? Liệu có nên duy trì quỹ này nữa hay không? Có nên chăng đã đến lúc phải thay đổi cơ chế Quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết giá khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật của thị trường. Bộ Tài chính - Bộ Công thương cân nhắc một cách thận trọng hơn. ĐB cho rằng việc quy định lập Quỹ bình ổn giá thành một điều luật riêng tại dự thảo Luật Giá sửa đổi là không phù hợp.
Có cái nhìn khác, ĐB Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) cũng nói, vừa qua Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đã góp phần làm giảm sốc về giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao hoặc giảm quá mạnh. Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá đã hạn chế tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá sẽ có tác động làm cho giá cả tăng chậm hơn hoặc giảm chậm hơn. Do đó, nếu sử dụng được các biện pháp bình ổn giá khác như thông qua điều hòa, kiểm soát cung, cầu thì không cần thiết phải sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá.
“Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay và một số năm tới thì việc bình ổn giá xăng dầu thông qua điều hòa, kiểm soát cung, cầu còn khó khăn nên trước mắt tôi thống nhất giữ Quỹ bình ổn giá như dự thảo”. ĐB Vũ Tuấn Anh phát biểu.
Nhưng ông cũng đề nghị cần quy định rõ là chỉ là lập đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn không lập Quỹ bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ khác. Đồng thời, cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để đảm bảo việc thực thi trong luật này.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trên cơ sở ý kiến của Bộ Công thương và các bộ ngành thì giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Bởi vì giá xăng, dầu tăng lên sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Vì vậy, giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu thì giảm sốc từ từ. Hiện nay công cụ để điều chỉnh giá xăng, dầu gồm thuế; chi phí định mức; nguồn cung; thông qua cấp phép để xây dựng bộ máy; Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Càng nhiều công cụ để đảm bảo điều chỉnh và giảm sốc giá xăng, dầu phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân là một điều rất cần thiết.
Bộ trưởng cho rằng, nếu chúng ta buông ra cho thị trường thì như người ta nói kinh tế thị trường không có “bàn tay” của nhà nước thì giống như “vỗ tay bằng một bàn tay”.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM): Thời gian qua, chúng ta thấy khi có những biến động, cụ thể như giá xăng, dầu. Khi giá xăng, dầu tăng lên thì lập tức nhiều mặt hàng khác tăng theo, tăng rất nhanh, có khi tăng thiếu căn cứ nhưng chúng ta không có công cụ để kiểm tra. Khi giá xăng, dầu điều chỉnh giảm thì các mặt hàng đó hình như vẫn giữ giá cũ, không hạ giá, chúng ta cũng không có điều kiện để kiểm tra, nên đã tạo ra một mặt bằng giá mới, làm khó khăn cho người dân, người tiêu dùng, người có thu nhập thấp. Dự thảo cần làm rõ hơn vai trò cơ quan tham gia trong việc kiểm tra cũng như hậu kiểm, giám sát tuân thủ việc thực thi pháp luật cũng như việc xử phạt khi vi phạm các điều khoản của Luật Giá. |