Lần đầu tiên trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người điều hành phiên chất vấn, nhận xét: mặc dù lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng Bộ trưởng đã chuẩn bị tốt nội dung, nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ trưởng đã giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đồng thời, đề xuất phương hướng nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực phụ trách.
Trao đổi với SGGP bên hành lang Quốc hội, ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho rằng, qua chất vấn, hy vọng tới đây chính sách cho vùng đồng bào dân tộc sẽ được thúc đẩy, nhất là việc đầu tư điện, đường, trường, trạm, đầu tư cho giáo dục vùng khó. Có như thế thì đồng bào dân tộc mới thực sự được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước. “Đầu tư cho hạ tầng, giáo dục thì không chỉ một hộ mà cả một vùng phên giậu Tổ quốc được hưởng lợi”, ĐB bình luận.
ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang). Ảnh: PHAN THẢO |
Là người dân tộc Khmer, ĐB Châu Quỳnh Dao cũng đánh giá, qua phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc lần này, bà con dân tộc cảm thấy được quan tâm hơn, tôn trọng hơn và có niềm tin với Đảng. Do đó, ĐB mong với nguồn lực hạn hẹp hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ quan tâm, tính toán để các chính sách phát huy, đi vào thực tiễn, hướng đến phát triển bền vững, chứ không phải chỉ là những giải pháp trước mắt.
Trong nội dung chất vấn về lĩnh vực dân tộc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã giải trình thêm về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trước Quốc hội và nhất là bà con người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận tiến độ thực hiện chương trình này "rất chậm". Đến ngày 31-5-2023, tiến độ giải ngân năm 2022 của chương trình chỉ đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển; 5 tháng đầu năm 2023 đạt 17,01% vốn đầu tư phát triển. Trong bối cảnh chỉ còn 2,5 năm để thực hiện giai đoạn 1 của chương trình, rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng chương trình này sống ở vùng biên cương, phên giậu của đất nước, đang cố gắng chịu đựng rất nhiều khó khăn để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, Phó Thủ tướng đã nhận trách nhiệm trong việc này.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định tinh thần chung là tiếp tục cố gắng nỗ lực giải quyết vấn đề phát sinh để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng tiến độ đề ra.
ĐB Châu Quỳnh Dao đánh giá rất cao phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. ĐB trân trọng tinh thần, thái độ, cách điều hành và trả lời trước Quốc hội của Phó Thủ tướng - người mới được phân công phụ trách mảng chương trình mục tiêu quốc gia.
ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế). Ảnh: PHAN THẢO |
Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Phó Thủ tướng trả lời "rất thắng thắn" và cũng nêu "rất nhiều giải pháp tháo gỡ".
Cùng quan điểm, trao đổi với SGGP, ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế), người dân tộc Tà Ôi cho rằng, việc chậm giải ngân chương trình đã làm lãng phí nguồn lực, và đặc biệt là làm “lãng phí niềm tin” của đồng bào - những người đang từng ngày chờ đợi để được thụ hưởng chính sách. Do đó, khi Phó Thủ tướng trả lời mạnh dạn, thẳng thắn, chân thực trước Quốc hội, chỉ ra những điểm yếu của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân tộc, ĐB tin tới đây tình hình sẽ được chuyển biến.