Trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 28-10, ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên), Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển cho các công trình dự án trọng điểm quốc gia, công trình dự án quan trọng của địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia, hay việc chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2022-2023, cho thấy rõ đây là điểm nghẽn mới trong tăng trưởng, khi một trong các kênh phục hồi kinh tế quan trọng, là kích cầu đầu tư, chưa phát huy được hiệu quả tích cực của nó như đã được thiết kế và kỳ vọng.
Việc giải ngân chậm do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án có phần là do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ, tuy nhiên theo ĐB, yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định.
“Tôi không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ rằng thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử. Từ chủ trương chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt, nhưng cấp cơ sở thì tâm lý e ngại, sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm… như vậy thì làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển”, ĐB Tạ Thị Yên đặt vấn đề.
Theo ĐB Tạ Thị Yên, trong khi Quốc hội khẩn trương làm ngày, làm đêm để các chủ trương, chính sách mới sớm đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nhưng kết quả đạt được còn rất xa so với kỳ vọng, mục tiêu, nhiệm vụ được thiết kế trong chính sách kèm theo nguồn lực tài chính công. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phê bình hiện tượng này và đã từng nói thẳng: “ai không làm thì đứng sang một bên”.
ĐB cho rằng, nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì không có gì phải ngại. Vì cơ chế của chúng ta là tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Từ phân tích đó, ĐB đề nghị Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực, sở trường.
ĐB Tạ Thị Yên cũng bày tỏ lo ngại về một số vụ việc xảy ra gần đây như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng tuy đã được phát hiện và ngăn chặn nhưng đã để lại những hậu quả đối với nền kinh tế.
“Hiện nay, ai cũng có thể cảm nhận được sự lo lắng, bất an của người dân, doanh nghiệp về vấn đề an toàn tiền gửi, lãi suất vốn vay cho sản xuất, tiêu dùng, giá cả bất động sản. Nếu không có những quyết sách quyết liệt, kịp thời, phục hồi niềm tin của thị trường, thì hệ lụy từ những yếu kém này có thể sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới, khu vực còn rất bất ổn...”, ĐB phân tích.
Đặc biệt, theo ĐB Tạ Thị Yên, vấn đề xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả” cũng cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.
ĐB bày tỏ băn khoăn khi chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Vậy mà thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng “hết xăng” tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, TPHCM.
Theo ĐB, xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Nên giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và Nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.
ĐB cho rằng, cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế, phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
ĐB Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) thì cho rằng áp lực lạm phát có xu hướng tăng gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023. Kinh nghiệm thế giới cho thấy nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời thì lạm phát sẽ trở thành rào cản ngược đối với tăng trưởng kinh tế.
Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao vấn đề này để giúp ổn định đời sống của nhân dân. Trong thời gian tới, việc giảm lãi suất cho vay cũng khó có thể thực hiện được do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất nhanh và mạnh.
Cùng với lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng tăng, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành của Fed gây sức ép lớn đến tỷ giá đồng tiền Việt Nam. Do đó, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh nhiệm vụ này cho phù hợp với diễn biến tình hình trong thế giới và trong nước.
ĐB cũng đề nghị Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội để sửa đổi Nghị quyết 43 theo hướng không đặt ra quy định về khách hàng có khả năng phục hồi để thuận lợi hơn khi thực hiện gói hỗ trợ 2%, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời đề nghị Quốc hội tiếp tục có chính sách giãn giảm thuế cho doanh nghiệp đến năm 2023.
Cũng trong thảo luận sáng 28-10, một lần nữa, vấn đề chính sách, chế độ cho ngành y tế, giáo dục từ chế độ lương, phụ cấp, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, thuốc men, sách giáo khoa, chương trình giảng dạy… tiếp tục được các ĐB nhấn mạnh.
Nhiều ĐB đều mong muốn có thể tạo sự chuyển biến rõ rệt ngay về chế độ chính sách cho y tế, giáo dục trong năm 2023 từ nguồn tăng thu của ngân sách Trung ương năm 2022, dự kiến sẽ thu vượt dự toán lớn, để người thầy thuốc, thầy giáo an tâm, tận tâm với nghề, chăm lo cho sức khỏe và trí tuệ nhân dân.