Đề cập đến việc Kỳ họp thứ 5 này có thêm 4 chiếc ghế trống trong hội trường Quốc hội. Trong đó, trừ ông Ngô Đức Mạnh đi nhận nhiệm vụ Đại sứ tại Liên bang Nga, 3 người còn lại là bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đều có sai phạm ở những mức độ khác nhau. ĐB Bùi Sỹ Lợi chia sẻ:
Vấn đề ở đây là chúng ta đã lựa chọn một cách rất bài bản, đi từ hướng dẫn từ cơ sở, giới thiệu từ cơ sở, trên xem xét rồi đưa ra mặt trận để hiệp thương. Quá trình của chúng ta làm rất chặt chẽ bài bản nhưng tại sao vẫn lọt người như vậy? Tôi cho rằng việc các tổ chức xem xét đánh giá công tác quy hoạch cán bộ và công tác hiệp thương của mặt trận chưa được nghiên cứu kỹ.
Người dân có trách nhiệm với lá phiếu của mình, nhưng phải thông qua hiệp thương mới có danh sách cử tri để họ đi bầu ra ĐB cho mình từ danh sách đã được lựa chọn đó chứ có bỏ ngoài danh sách đâu, nên nếu nói trách nhiệm thuộc về cử tri thì e là không đúng.
Đề cập tới vấn đề phóng viên nêu “Mới nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội đã khuyết tới 9 ĐB do các vấn đề khác nhau. Có những địa phương như Quảng Nam, 1 ĐB mất, 1 ĐB đương nhiên bị mất quyền (ông Nguyễn Quốc Khánh)...
ĐB Bùi Sỹ Lợi trăn trở: “Rõ ràng là khi ĐBQH mất đi, thôi làm nhiệm vụ ĐB hay bị miễn nhiệm, làm cho khu vực bầu cử bị thiếu ĐB thì cũng làm cho tiếng nói của địa phương đó bị ảnh hưởng tại Quốc hội. Và rõ ràng sự gắn bó giữa cử tri với ĐB cũng bị mỏng đi. Và như Quảng Nam, một tỉnh mà mất tới 2 người thì rõ ràng là ảnh hưởng lớn đến ý kiến của cử tri phản ánh về Quốc hội. Tôi nghĩ là việc này chúng ta cũng cần tính toán đến. Ví dụ, nếu chỉ mất 1 người hoặc mất người ở những tỉnh thành lớn, có nhiều đại diện thì người ta có thể điều tiết được nhưng như Quảng Nam, vốn đã rất ít ĐB rồi mà giờ lại mất đi 2 thì rõ ràng khó khăn rất lớn cho chính các ĐB của địa phương này đang còn hoạt động và cũng là khó khăn cho cử tri khi muốn phản ánh tâm tư đại biểu của mình với Quốc hội”.
Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác bầu cử, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng công tác hiệp thương của mặt trận phải làm rất kỹ và có lẽ ta phải nghe thêm ý kiến của nhân dân và trong tương lai có thể cân nhắc việc tổ chức tranh cử.
Hiện tại, danh sách bầu cử đã có số dư rồi, các ứng cử viên vẫn có quyền đưa ra chương trình hành động, nếu trúng cử thì làm gì, hứa gì; chỉ có điều tranh cử quyết liệt, thể hiện một cách công khai minh bạch thì ta chưa thể hiện rõ.