Chiều 1-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội. Phiên thảo luận còn được kéo dài đến trưa mai, 2-11.
Đáng chú ý, trong phiên thảo luận chiều 1-11, dù Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình về việc chống sốt xuất huyết, để xảy ra tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế nhưng các ĐBQH vẫn không hài lòng và tranh luận lại.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói: “Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình nhưng tôi không yên tâm. Cử tri thì rất bức xúc và bất lực khi 2 ngành y tế và bảo hiểm xã hội đôi co nhau, không biết bên nào đúng, bên nào sai. Cuộc chiến giữa 2 bên vẫn chưa có hồi kết. Hệ quả là các cơ sở khám chữa bệnh bị treo kinh phí, không có tiền trả nợ cho các đơn vị cung ứng thuốc và vật tư. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh phản ánh rằng họ phải cử bác sĩ giỏi để làm hồ sơ cho bảo hiểm tất toán, không có thời gian khám chữa bệnh cho người dân".
“Mỗi lần giám định viên BHYT giám định không khác gì một cuộc thanh tra, gây lãng phí về thời gian, tiền của cho các cơ sở khám chữa bệnh”, ĐB Cầu chỉ ra.
“Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Bộ Y tế nhanh chóng khắc phục các xung đột nêu trên, xây dựng đầy đủ hơn hành lang pháp lý trong vấn đề khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi cả 3 bên, trong đó có quyền lợi của người dân phải được ưu tiên hàng đầu”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.
ĐB Lê Văn Sỹ (Thanh Hóa) cũng cho biết ông không yên tâm với những giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo ĐB cần có giải pháp để duy trì quỹ BHYT, tránh tình trạng 2-3 năm nữa quỹ đứng trước nguy cơ vỡ. “Nguyên nhân hiện nay là đóng ít hưởng nhiều, lạm dụng, trục lợi BHYT tràn lan…”, ĐB nói.
Liên quan đến đề xuất của Chính phủ về lùi thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho biết, “ Tôi chợt nhớ tới đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ năm 2014 của Bộ GD-ĐT với 34.000 tỷ đồng, sau đó khi xã hội, các chuyên gia giáo dục lên tiếng thì con số này giảm chỉ còn mấy trăm tỷ đồng”.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ tháng 7-2016 đến tháng 6-2018 phải biên soạn, duyệt xong và cho phép phát hành, sử dụng bộ sách giáo khoa mới từ lớp 1, lớp 6, lớp 10. Từ 2018 đến 2019 bắt đầu triển khai theo hình thức cuốn chiếu và kết thúc đề án vào năm 2023.
“Bây giờ xin lùi đến 2019-2020 mới áp dụng cho lớp 1 và dự kiến đến 2023-2024 mới áp dụng toàn bộ. Còn đề án kết thúc vào năm nào thì chưa rõ. Việc kéo dài thời gian như vậy không gây lãng phí, không làm tăng kinh phí mới là lạ! Dự kiến mới của đề án này là 80 triệu USD (tương đương gần 1.800 tỷ đồng) thì không ít ỏi chút nào"- ĐB Cầu nói.
Theo ĐB, y tế và giáo dục là vấn đề an sinh lớn nhất, người dân còn mất lòng tin, cần thực hiện các giải pháp để lấy lại lòng tin của dân.
Lo chuyện tách-nhập bộ ngành, địa phương
ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị cải cách chính sách tiền lương gắn với tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. ĐB cho rằng, hiện nay lương của công chức hành chính rất thấp, không thu hút được nhân tài, không công bằng giữa các lực lượng hưởng lương.
"Từ năm 2004 đến nay, dù đã thay đổi không dưới chục lần, song thang bảng lương khu vực hành chính vẫn thấp xa so với các khu vực khác và chưa tính theo hệ số việc làm. Điều này đã không khuyến khích công chức, viên chức làm việc, cống hiến", ĐB nói.
ĐB Phan Thái Bình đề nghị, cùng với cải cách hành chính thì Quốc hội, Chính phủ cần mạnh dạn đổi mới thang, bảng lương nhằm thu hút nhân tài vào làm việc tại cơ quan Nhà nước; đồng thời chú ý tới chính sách trả lương hưu cho người nghỉ trước năm 1993 do trước đây cơ chế tiền lương rất thấp.
Tới đây, thực hiện cải cách tiền lương cần cần theo vị trí việc làm, trả lương cao cho các công việc đòi hỏi trình độ cao, có phụ cấp chức vụ.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cũng lo về việc tới đây thưc hiện Nghị quyết Trung ương 6 về tinh giản biên chế và sắp xếp bộ máy hành chính.
“Đã từng nhập vào tách ra, nhưng yếu tố chủ quan còn lớn. Cần thực hiện triệt để, cần xóa hết các tầng nấc trung gian trùng lắp. Nhưng hợp nhất cũng cần tính toán. Ví dụ hợp nhất Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh là chưa hợp lý, vì họ không thể cùng làm chức năng tham mưu cho cả UBND và HĐND, sẽ không còn tính khách quan, không còn tính kiểm soát quyền lực”, ĐB nêu quan điểm. Vì vậy, triển khai Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp bộ máy cần nghiên cứu kỹ. Các đề án tách-nhập bộ máy hành chính Chính phủ cần xin ý kiến Quốc hội.
ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cũng cho rằng, lần này cần thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp bộ máy. Trong đó khối Đảng và hành chính Trung ương cần đi đầu về sắp xếp, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên, nâng cao hiệu lực bộ máy. ĐB cũng đề nghị tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh về sắp xếp, tinh gọn bộ máy để cả nước thực hiện