Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam thẳng thắn chia sẻ quan điểm với phóng viên bên lề phiên thảo luận về việc giải quyết khiếu nại tố cáo tại Quốc hội sáng 14-11.
Trước đó, Báo cáo giám sát do Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, việc ủy quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh (một số tỉnh ủy quyền trên 70% như: Nam Định, Bình Dương, Lào Cai, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam…, cá biệt có những tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền toàn bộ cho cấp phó tiếp công dân, không tiếp công dân định kỳ trong suốt 12 tháng.
"Theo tôi, cần siết các biện pháp hành chính của cấp trên đối với cấp dưới, kiểm điểm, khắc phục trình trạng lãnh đạo các cấp chính quyền không tiếp công dân. Bởi nếu kéo dài tình trạng này thì dẫn đến việc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân không được giải quyết. Đơn thư của công dân cần được phân loại, cái nào đúng, cái nào không đúng, đúng thì phải giải quyết, không đúng thì cũng phải trả lời, nói đầy đủ cho dân hiểu” - Ông Vũ Trọng Kim nói. |
Cũng theo ĐB Vũ Trọng Kim, trong vấn đề này, chế tài chính là đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo.
“Nếu một năm mà anh không thực hiện được việc tiếp dân thì anh phải rời ghế đi. Công việc của anh là công việc với dân mà anh không làm được thì nên nghỉ. Việc của lãnh đạo chính quyền là giải quyết việc cho dân. Đối tượng làm việc chính của mỗi cán bộ chính quyền là với dân. Nội dung công việc chính của Chủ tịch UBND các cấp là với dân; không thể nói rằng tôi bận đi làm việc với cơ quan này, cơ quan khác, còn việc dân thì lại bỏ. Đó là do anh không ý thức đúng vấn đề chứ không phải là không sắp xếp được công việc” - ĐB Vũ Trọng Kim nói. |
Đề cập đến vụ việc Thủ Thiêm (TPHCM), ông Vũ Trọng Kim nói, việc xin lỗi như vừa qua của lãnh đạo TPHCM là một hành động văn minh, lịch sự trước người dân. Quan trọng nhất vẫn là vận dụng chính sách pháp luật để sửa sai, đảm bảo quyền lợi của người dân. “Trong chuyện Thủ Thiêm, có những việc giải quyết được, có những việc bất khả kháng thì lãnh đạo chính quyền phải giải thích với người dân, có lựa chọn phù hợp. Chuyện xảy ra 20 năm rồi, có những việc không thể “đi” lại từ đầu. Bây giờ vấn đề là giải quyết sao cho đa số người dân ủng hộ” - ông nói. |