Liên quan đến dự thảo quy chế về công tác học sinh-sinh viên (HS-SV), trong đó có quy định đuổi học HS-SV nếu có hoạt động mại dâm đến lần thứ 4, trong phiên chất vấn tại Quốc hội đang diễn ra, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
“Nhiều cử tri nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục hiện nay. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình khi thường xuyên nêu quan điểm "sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm" xong rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để duy trì sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay", ĐB Hiền chất vấn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hiền đầu phiên chất vấn sáng 31-10, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực tế quy định liên quan việc bán dâm đối với HS-SV được nêu trong nội quy từ năm 2007, đến đầu năm 2016 lại có. Như vậy, quy định này đã có từ nhiều năm trước.
“Khi rà soát, Bộ quy định tất cả những nội dung không phù hợp thì phải bỏ hoặc sửa, trong đó có nội dung trên. Tuy nhiên, khi sửa thì ban soạn thảo, đặc biệt là các cá nhân trực tiếp làm công việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đã đưa dự thảo lên website dẫn đến phản ứng của xã hội”, Bộ trưởng trả lời và cho biết, quan điểm của ông là sửa sai và những nội dung này không đưa vào thông tư nữa.
Sau khi Bộ trưởng trả lời, ĐB Phạm Thị Minh Hiền đã tranh luận lại cho rằng, ĐB hỏi vai trò của người đứng đầu, nhưng không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm mà chuyển cho cá nhân khác.
“Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, nhận ra năng lực quản trị của bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục có vấn đề, có hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiệm của quản lý giáo dục", ĐB Hiền nói và mong muốn "Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né để có giải pháp tích cực hơn cho ngành giáo dục trong thời gian tới".
Sáng 31-10, bên hàng lang Quốc hội, SGGP đã có trao đổi với ĐB Phạm Thị Minh Hiền về vấn đề này.
* PHÓNG VIÊN: Sau phần trả lời của Bộ trưởng, ĐB nhận xét gì?
- ĐBQH PHẠM THỊ MINH HIỀN: Như tôi đã tranh luận lại với Bộ trưởng, tôi mong muốn Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật, phải đề cao trách nhiệm của mình. Chúng ta đều biết ngành giáo dục có những hạn chế, những sai sót có tính lịch sử, liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều cá nhân, phải cần có thời gian để giải quyết.
Nhưng vấn đề là thái độ, hành xử của Bộ trưởng trong xử lý vấn đề này. Cần tránh việc đổ lỗi trách nhiệm cho người khác, cho cấp dưới. Nếu không nhìn trực diện vào những hạn chế, yếu kém thì không thể có những giải pháp hữu hiệu.
Một con người vấp ngã có thể đứng dậy và trưởng thành, nhưng ngành giáo dục quá nhiều cú vấp ngã thì người đau nhất, tổn thương nhất chính là những thế hệ học sinh, gánh chịu những hậu quả mà một ngành giáo dục còn nhiều yếu kém gây ra. Bộ trưởng phải thấy được điều đó, thấy được những việc cần phải làm, không phải đổ lỗi cho người này, người kia.
* Bộ trưởng trả lời khi sửa thì ban soạn thảo, đặc biệt là các cá nhân trực tiếp làm công việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đã đưa dự thảo lên website dẫn đến phản ứng của xã hội. Ở đây trách nhiệm của người đứng đầu liệu có chuẩn mực?
- Đổ lỗi cho cá nhân trực tiếp soạn thảo văn bản là một xử lý "rất nghiệp vụ", "rất nội bộ". Vấn đề người đứng đầu phải thấy trách nhiệm của mình. Giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng, là nền tảng để thiết lập tri thức, nếu Bộ trưởng không nhận thức trách nhiệm lớn lao đó thì không thể đề ra các giải pháp đúng đắn cho ngành giáo dục.
Chất vấn thẳng thắn, tôi chỉ mong muốn Bộ trưởng phải nhìn thấy trách nhiệm, trực diện thẳng vào vấn đề. Giáo dục rất cần sự chuẩn mực.
* Trên mạng xã hội đã lan truyền tin nhắn được cho là tin nhắn do chị nhận được, có nội dung Bộ trưởng Bộ GD-ĐT "gửi gắm" chị và đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên không nên chất vấn nặng nề Bộ trưởng? - Tôi xin không trả lời câu hỏi này. Tôi nghĩ chúng ta không nên gây áp lực cho nhau nhiều nữa, quan trọng là ai cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. |