ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Chưa đồng ý với cả 2 giải pháp của Bộ trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga phản hồi: "Chủ hộ kinh doanh đóng bảo hiểm để được hưởng chế độ, chứ không phải gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất không đáng kể. Những người đã đóng mấy chục năm, tuổi cao rồi, bây giờ không còn đủ thời gian chuyển sang dạng bảo hiểm khác thì sao?".
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung sáng 6-6, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nói, bà đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu BHXH bắt buộc sai pháp luật đối với 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương trên cả nước, có nhiều trường hợp đã đóng BHXH được gần 20 năm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, phần lớn các vướng mắc đã được các địa phương linh hoạt xử lý với chủ hộ kinh doanh, nhiều trường hợp đồng ý chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, nhiều trường hợp đề nghị thoái thu, có những trường hợp đề nghị chuyển sang bảo hiểm bắt buộc.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng là phải lấy lợi ích của người lao động lên hàng đầu, nhưng giải pháp cụ thể mà Bộ trưởng đưa ra lại chưa đúng nguyên tắc đó.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

“Phương án 1, Bộ trưởng nói, là cứ quy định mà làm, đã thu tiền không đúng rồi thì giờ trả lại. Phương án 2 là trả lại tiền có tính lãi suất, chuyển họ sang dạng bảo hiểm tự nguyện. Nhưng người lao động đóng bảo hiểm để được hưởng chế độ, chứ không phải gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất không đáng kể. Có đối tượng thời gian tạm gọi là “đóng nhầm” còn ít, còn tuổi, có thể chuyển sang dạng bảo hiểm khác được, chẳng hạn như bảo hiểm tự nguyện. Nhưng còn những người đã đóng mấy chục năm, tuổi cao rồi, bây giờ không còn đủ thời gian chuyển sang dạng bảo hiểm khác thì sao? Bảo hiểm xã hội có nguyên tắc đóng - hưởng, nghĩa là có đóng có hưởng. Bất cập ở đây là cứ yêu cầu cứng phải có hợp đồng lao động. Đối tượng này (chủ hộ kinh doanh) ký hợp đồng được với người khác, nhưng không tự ký được với chính mình.

Tôi cho rằng Bộ trưởng có thể tham mưu với Chính phủ coi đối tượng này là có hợp đồng lao động tự ký và giải quyết chế độ như những đối tượng khác có ký hợp đồng lao động hay không, như thế thỏa đáng nhất, vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động, lại không sai so với quy định của pháp luật. Lâu dài phải rà soát để sửa Luật Bảo hiểm xã hội”.

Tin cùng chuyên mục