Chiều 10-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 14.
Tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Hà Nội, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội bày tỏ quan tâm về sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội, đặc biệt là trong quan hệ gia đình. Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết.
Bà Kim Thúy chất vấn: “Ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được việc này, nhưng là người đứng đầu cơ quan nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình đến đâu và có kiến nghị gì để thay đổi thực trạng: cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ thẩm quyền mà cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm?".
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, văn hóa là vấn đề rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Bộ VH-TT-DL đã chủ động rà soát, báo cáo với Quốc hội ban hành các luật, tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra.
Bên cạnh đó, bộ cũng chủ động phối hợp với các cơ quan khác bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện. Cụ thể, bộ đã ký kết với Bộ GTVT về việc xây dựng văn hóa giao thông, ký kết với Bộ GD-ĐT về xây dựng văn hóa học đường, ký kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động…
Chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có trong báo cáo gửi đến Quốc hội.
“Trong báo cáo đó, bộ đã dành 9/27 trang nói về giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử. Tôi hiểu vấn đề này không chỉ riêng của Bộ VH-TT-DL; nhưng trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL đến đâu", bà Thúy nói.
Theo ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chưa làm rõ kiến nghị để thay đổi thực trạng cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ thẩm quyền, còn cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm.
Hồi đáp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, vấn đề môi trường văn hóa, môi trường xã hội đang xuống cấp là rất đáng quan tâm. Để có giải pháp cho vấn đề này, phải huy động được cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục, bồi đắp, bồi dưỡng ý thức về văn hóa, ý thức về xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc…
Theo Bộ trưởng, các tiêu chí về gia đình đã đầy đủ. “Chúng tôi cũng khuyến khích việc biểu dương các gia đình tiêu biểu, gia đình văn hóa với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, từ đó để nhân lên những hình ảnh đẹp trong cộng đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói thêm.
ĐB Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) nhận định, pháp luật và đạo đức là hai quy phạm chủ yếu và đặc biệt quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội. Qua nhiều năm, pháp luật đã được hoàn thiện và tăng cường nhưng nhiều cử tri cho rằng, đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và đạo đức gia đình đều xuống cấp.
“Nhiều vụ việc xảy ra thì chủ thể đều khẳng định quy trình đúng và đã tuân thủ đúng quy trình. Như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, qua phản ánh của báo chí, người có thẩm quyền trả lời, giáo viên coi thi đã thực hiện đúng quy trình nhưng hậu quả học sinh giỏi ngủ quên trong phòng thi và trượt tốt nghiệp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này?”, ông Lê Hoàng Anh hỏi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã không nêu quan điểm cụ thể về vụ việc này.
Tham gia giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong trường học có 2 vấn đề quan trọng, đó là tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố và hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử.
Ông Sơn hy vọng văn hóa học đường có sự chuyển biến tốt trong thời gian tới. Bên cạnh việc tạo dựng văn hóa học đường, Bộ GD-ĐT sẽ tạo dựng các giá trị trong phương pháp dạy học, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, kiểm tra đánh giá tiên tiến.
Bộ cũng sẽ tập trung rà soát các quy tắc ứng xử trong trường học để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.
“Rất nhiều nội dung chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm từng bước tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp để đào tạo thế hệ với những giá trị như lương thiện, nhân ái, yêu nước, trung thực…”, người đứng đầu ngành GD-ĐT phát biểu.
Đại diện lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, qua ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, có thể thấy rất nhiều việc cần phải cố gắng làm tốt hơn nữa.