Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên thảo luận.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ngay từ khi bắt đầu phiên họp, đã có tới 109 ĐBQH đã đăng ký phát biểu.
Là ĐB phát biểu đầu tiên, ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) nhận định, một trong những yếu tố quyết định tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội tới đây chính là nhanh chóng đưa lực lượng lao động trở lại làm việc. Nhấn mạnh rằng phòng chống Covid-19 không phải là một nhiệm vụ tức thời, mà là một hành trình gian nan và kéo dài, ĐB đề nghị Chính phủ có chiến lược lâu dài để xây dựng, củng cố đội ngũ lao động được tổ chức tốt hơn, có giải pháp đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Đặc biệt, ĐB đề nghị Quốc hội cân nhắc tăng bội chi và “áp dụng những chính sách ngân sách bất thường để đối phó với bối cảnh không bình thường”.
Đánh giá du lịch như là lĩnh vực “đòn bẩy” cho hồi phục, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi, vận hành du lịch một cách an toàn như đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine, hỗ trợ các cơ sở du lịch tiếp cận, đón khách đảm bảo các tiêu chuẩn phòng chống dịch...
ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ quan tâm đến công tác dạy và học trực tuyến thời gian qua. Theo ĐB, chất lượng, hiệu quả của công tác này còn hạn chế, nhất là đối với bậc tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đề nghị rà soát, hoàn thiện, sớm ban hành các văn bản cần thiết để khắc phục khó khăn về hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật dạy học trực tuyến, tạo điều kiện để học sinh cấp tiểu học, học sinh vùng nông thôn, miền núi, hải đảo được tiếp cận bình đẳng trong giáo dục. ĐB cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức xây dựng các bài giảng trực tuyến, bài giảng trên truyền hình, nhất là các bài giảng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, để cung cấp cho các nhà trường tổ chức dạy học cho học sinh; tính toán chế độ thỏa đáng cho đội ngũ giáo viên; miễn giảm phí Internet…
Trong khi ghi nhận những nỗ lực phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị, ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho rằng, thời gian tới cần tăng cường tính dự báo, tăng cường sự chủ động chuẩn bị, ứng phó của ngành y tế, nhất là y tế cơ sở. Điều chỉnh chính sách cho lực lượng tham gia phòng chống dịch, ghi nhận và có chế độ thỏa đáng cho các cán bộ, tình nguyện viên không may qua đời khi làm nhiệm vụ… Bà cũng đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo công tác nghiên cứu chuyển giao sản xuất vaccine trong nước; đồng thời có chiến lược phân bổ vaccine hợp lý…
Thẳng thắn chỉ rõ một số tiêu cực trong phòng chống dịch, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là tạo sự đồng thuận của người dân, chính quyền cơ sở cần hết sức tránh những việc làm nóng vội, cảm tính, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”.
ĐB đúc kết những việc nên làm trong thời gian tới theo công thức “1 tăng, 2 giảm, 3 bảo đảm”.
Đó là tăng tỷ lệ bao phủ vaccine; giảm tỷ lệ người mắc người mắc Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19; bảo đảm phục hồi kinh tế - xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh như tình hình sức khoẻ tinh thần của người dân, nhất là học sinh sinh viên, tình trạng thiếu lương thực ở một bộ phận người nghèo, tình trạng gia tăng người vô gia cư ở một số thành phố lớn…