ĐB đề nghị “chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt”
SGGPO
Chiều 15-8, tiếp tục hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lưu ý Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về việc "quên" trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (Hậu Giang) nêu từ buổi sáng.
Cụ thể, bà Nguyễn Thanh Thủy kiến nghị, để thực hành tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành có thông tin và dư luận cho rằng nên thực hiện theo mô hình “chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt”.
ĐB Nguyễn Thanh Thủy thẳng thắn: “Đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết có nên thực hiện theo mô hình này không? Nếu thực hiện thì có giảm được ách tắc giao thông không? Giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay?”.
Sau khi được nhắc về nội dung chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã cảm ơn gợi ý của ĐB, nhưng đề nghị “Nếu Hậu Giang làm trước thì căn cứ vào kết quả thực hiện, chúng tôi sẽ nghiên cứu nhân rộng; trước mắt, trong tình hình hiện tại thì chưa thể áp dụng đại trà”.
“Có văn bản trình rất chậm khiến Quốc hội phải thay đổi chương trình”
Được yêu cầu trả lời về tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, qua rà soát 26 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội thông qua có khoảng 10 văn bản hướng dẫn có tiến độ xây dựng chậm. Cá biệt có văn bản trình rất chậm khiến UBTVQH, Quốc hội phải thay đổi chương trình hay đưa ra khỏi chương trình.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Người đứng đầu ngành tư pháp cho biết: Trong thời gian qua, với sự cố gắng của các bộ ngành, Chính phủ, UBTVQH, Quốc hội và ĐBQH, công tác xây dựng pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 2 năm qua, Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, ban hành 26 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết khác nhau, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Trong đó, có những dự án ban hành kịp thời, có sự thống nhất cao, mang lại tác dụng nhanh chóng. Dẫn một ví dụ điển hình là Nghị quyết của UBTVQH giải thích một số điều của Luật Quy hoạch, ông Lê Thành Long nhận định, văn bản này được dư luận đánh giá cao và ngay lập tức tháo gỡ vướng mắc trong quá trình điều chỉnh quy hoạch hiện nay, giúp thực hiện công tác xây dựng quy hoạch trong thời gian tới.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nêu rõ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có 20 ngày để thẩm định từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ. Nhưng có những dự án luật buộc phải thẩm định trong 5 ngày, cá biệt có dự án luật quan trọng chỉ thẩm định trong 3 ngày…
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trách nhiệm chính trong vấn đề này thuộc về bộ trưởng, trưởng ngành, các bộ ngành. “Chúng ta cố gắng rồi nhưng cần tiếp tục phát huy, đặc biệt thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”. Về phần mình, Bộ Tư pháp cũng sẽ nâng cao chất lượng hội đồng thẩm định; đôn đốc, bám sát các bộ ngành trong quá trình xây dựng dự án luật…
"Bên cạnh đó, các cơ quan cần cân nhắc khi đề xuất dự án luật đưa vào chương trình, vì có xu hướng ôm đồm, chưa dự liệu hết vấn đề phát sinh" - ông Lê Thành Long khuyến nghị - “Một khi đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải có kế hoạch, bám sát tiến độ thực hiện. Khi bắt đầu nên bàn định hướng trước, huy động trí tuệ chuyên gia, cơ quan liên quan để làm một mạch, không phải làm đi làm lại”.
Đã triệt phá 1.400 đường dây, tổ chức liên quan tới tín dụng đen
Trả lời ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) về tình trạng tín dụng đen hoành hành, gây bất ổn xã hội, khiến người dân hoang mang lo lắng, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an nhiều lần báo cáo Chính phủ, đề ra nhiều giải pháp khắc phục vấn đề này.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an
“Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 12 giải thích về vấn đề tội phạm liên quan tới tín dụng đen, hiện Nghị định đang được triển khai thực hiện. Bộ Công an cũng đã có kế hoạch chuyên đề riêng để trấn áp tội phạm này. Kết quả, trong 6 tháng 2019, trong toàn quốc, Công an đã khởi tố 436 vụ với 766 bị can liên quan tội danh tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê, trong đó khởi tố 214 vụ, 947 bị can về tội liên quan tín dụng đen là cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, ông nói.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, ngành Công an đã làm tan rã nhiều băng nhóm tội phạm tín dụng đen trong toàn quốc, triệt phá 1.400 các đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi, có hoạt động liên quan tới tín dụng đen. Do trấn áp mạnh nên tội phạm liên quan tới tín dụng đen đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây, nhân dân cũng đã rất cảnh giác với các hoạt động này.
Tuy nhiên tình hình bảo kê, tín dụng đen, đòi nợ thuê vẫn còn rất phức tạp, có nơi có lúc còn gây lo lắng trong nhân dân và các đoàn thể xã hội. Đáng lưu ý là loại hình cho vay ngang hàng qua mạng internet. Đây là tín dụng đen biến tướng sử dụng hoàn toàn qua không gian mạng đang có chiều hướng gia tăng và rất khó kiểm soát.
Trong khi đó, việc xử lý tội phạm tín dụng đen hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật. Pháp luật dân sự và hình sự cũng có điểm bất cập, gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật. Riêng xử lý theo điều 201 của Bộ luật Hình sự, hiện nay cơ quan điều tra thống kê 21 vấn đề khó khăn, vướng mắc, đang phối hợp các ngành để tháo gỡ.
Bộ trưởng cho rằng trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm liên quan tới tín dụng đen. Lực lượng công an cũng sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát danh sách đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm tín dụng đen, bảo kê đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành, không để hình thành các tổ chức tội phạm; đồng thời điều tra xử lý nghiêm các tội phạm có liên quan tín dụng đen.
Về chất vấn của ĐB là có hay không việc bảo kê của lực lượng chức năng cho đối tượng tín dụng đen, ông Tô Lâm khẳng định, qua điều tra cho tới nay chưa phát hiện trường hợp nào bao che, bảo kê các lực lượng tín dụng đen của bất kỳ lực lượng nào, kể cả lực lượng công an. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm các trường hợp bảo kê hoặc có liên quan tới bảo kê. “Nếu nhân dân và đại biểu Quốc hội chỉ ra được có những hoạt động vi phạm thì trao đổi thông tin, chúng tôi sẽ tích cực xử lý”, người đứng đầu ngành công an cam kết.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Tham nhũng vặt nhưng hậu quả không vặt "
Tiếp tục chương trình nghị sự phiên họp thứ 36 của UBTVQH, chiều 15-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trả lời chất vấn trực tiếp của ĐBQH.
Trả lời các chất vấn của đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, với chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số, vừa qua, Chính phủ đã bố trí được hơn 5.500 tỷ đồng cho khu vực này. Dự kiến sẽ tiếp tục bố trí 1.500 tỷ đồng trong dự toán ngân sách năm 2020. Chính phủ sẽ trình Quốc hội Nghị quyết về một chương trình mục tiêu quốc gia thứ 3 (cùng với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo) về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hợp phần đối với đồng bào dân tộc rất ít người.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG
Về phát triển vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ luôn coi trọng vùng ĐBSCL, trong 5 năm qua, tổng ngân sách đầu tư cho vùng đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế. Nếu tính riêng phần ngân sách Trung ương hỗ trợ thì đứng thứ 3, sau vùng núi phía Bắc và duyên hải miền Trung. Đầu tư cho ĐBSCL không thấp, nhưng do địa hình chia cắt nên suất đầu tư rất cao, xây cầu vốn đầu tư lớn, vì thế hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển. Chính phủ sẽ có chương trình riêng để ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu; triển khai các chương trình phát triển liên kết vùng, tiểu vùng, liên kết với TPHCM. Đầu tư cho đường bộ, đường thủy, hàng không (có thể mở nhiều đường bay mới), kết nối cảng biển, đầu tư đường sắt TPHCM-Cần Thơ.
Với dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận thì Chính phủ quyết định bổ sung 2.186 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà đầu tư. Cùng với 3.000 tỷ đồng của chủ đầu tư, vốn tín dụng (Chính phủ đã giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ 6.000 tỷ đồng cho dự án) thì đủ vốn để triển khai. Vấn đề hiện nay là công tác triển khai, tháo gỡ các vướng mắc. Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức tín dụng đã phối hợp để bổ sung vốn, dự án đến cuối năm 2020 sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương - Mỹ Thuận và hoàn thành toàn bộ công tác này trong năm 2021. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 thì dự kiến khởi công vào quý 1-2020.
Về phòng chống tham nhũng vặt, Phó Thủ tướng cho biết, bên cạnh đấu tranh với các đại án tham nhũng thì phòng chống tham nhũng vặt luôn là điều mà Chính phủ coi trọng. “Tham nhũng vặt nhưng hậu quả không vặt. Những con đê hùng vĩ có thể bị vỡ bởi những ổ mối trong thân đê. Tham nhũng vặt gây xói mòn lòng tin của nhân dân”, Phó Thủ tướng nói. Đồng thời cho biết, Chính phủ đã đề ra các giải pháp là hoàn thiện chính sách để bảo đảm ngăn chặn nhũng nhiễu trong những người thực thi công vụ; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm minh bạch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát việc thực thi công vụ. Tăng cường luân chuyển cán bộ. Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của cả người dân và người cung cấp dịch vụ công…
Về công tác xây dựng pháp luật, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, thời gian qua Chính phủ rất quyết liệt đôn đốc công tác này và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như trình chậm, rút luật, nợ đọng văn bản (hiện còn nợ 18 văn bản). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chưa tuân thủ quy định, trình tự làm luật, quan tâm của một số tư lệnh ngành chưa đúng mức… Trong thời gian tới, tiếp thu ý kiến của Quốc hội, Chính phủ sẽ đẩy mạnh công tác này, công khai những bộ ngành còn nợ đọng văn bản...
Về các chính sách đối với người có công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, Pháp lệnh ưu đãi người có công đã xây dựng xong, dự kiến sẽ trình UBTVQH vào tháng 12 năm nay, trong đó có sửa đổi quy định về bảo hiểm y tế, tăng mức trợ cấp 1 lần. Những ý kiến của UBTVQH, Chính phủ sẽ tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu.