Dạy trẻ tính trung thực

Nhiều bậc phụ huynh lấy làm phiền muộn vì con trẻ thường hay nói dối. Họ đổ lỗi cho xã hội, nhà trường, bạn bè của trẻ đã góp phần tạo cho chúng tính xấu này, nhưng họ không ngờ chính những người trong gia đình phải chịu trách nhiệm phần lớn về sự thiếu trung thực của con trẻ.

Trẻ em như búp trên cành. Ảnh minh họa: DŨNG PHƯƠNG
Trẻ em như búp trên cành. Ảnh minh họa: DŨNG PHƯƠNG

Những bài học xấu

Khi trẻ còn bé, sự trung thực hay không trung thực của người lớn ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Một người mẹ đang bận thì có tiếng chuông cửa, chị bảo con trai 5 tuổi: “Có ai hỏi mẹ thì con bảo mẹ đi làm chưa về nhé”. Cậu bé vâng lời bước ra và trả lời theo đúng ý mẹ. Chị khen con giỏi, biết làm theo lời mẹ mà không ngờ mình đã vô tình dạy cho con những bài học đầu tiên về nói dối. Có những bậc cha mẹ vì một chút lợi nhỏ mà bắt con phải nói dối.

Được nghỉ lễ, vợ chồng anh Hùng (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) đưa 2 con gái về quê chơi. Khi tàu hỏa chuẩn bị khởi hành, chị dặn cô con gái nhỏ: “Nếu chú soát vé hỏi thì con trả lời mới 5 tuổi nhé”.

Cô bé ngạc nhiên: “Nhưng con đã 6 tuổi rồi mà”. “Con mà nói 6 tuổi thì người ta bắt mua vé. Mẹ chỉ mua 3 vé, con nằm chung giường với chị là ổn rồi!”. Vì tiếc tiền vé, chị không ngờ mình vừa dạy cho con bài học thiếu trung thực. Cũng có bậc cha mẹ không trực tiếp dạy con thiếu trung thực nhưng cách hành xử, sự bàn bạc của họ trước mặt con đã khiến chúng không xem sự thiếu trung thực là một thói xấu.

Cơ quan chị Thu (ngụ Long An) chuẩn bị họp tổng kết, mọi người được khuyến khích nhận xét hiệu quả công việc của nhau để bình bầu thi đua cuối năm. Trong bữa cơm chiều, chị nói với chồng: “Tay trưởng phòng của em chuyên bòn rút của công, thường sai nhân viên lập chứng từ giả để hợp thức hóa những khoản chi sai nguyên tắc. Bây giờ em phân vân không biết có nên đưa chuyện này ra trước cuộc họp cơ quan không?”.

Chồng chị liền hỏi: “Chuyện của anh ta làm có ảnh hưởng gì đến em không?”. “Không, vì em đâu phải kế toán, cũng không là thủ quỹ”. Vậy là anh gạt ngang: “Thế em nói ra làm gì cho người ta ghét”.

Trong lúc họ nói chuyện, hai đứa con còn đang tuổi học cấp 1 cũng lắng tai nghe. Và họ không ngờ chúng đã tiếp thu được một bài học là không cần phải trung thực chỉ vì sợ bị ghét. Ngoài ra, sự không trung thực của trẻ cũng do tác động từ bên ngoài và được người lớn khuyến khích.

Bé Nam học lớp 5 và cũng thuộc diện học giỏi. Bài kiểm tra nào em cũng đạt điểm cao. Bữa nọ, do bị bệnh, em ôn môn Văn không kỹ, vào thi lại đúng vào câu em còn lơ mơ. Trong khi còn đang cắn bút, em thấy một số bạn lợi dụng lúc cô giáo lơ là lấy tài liệu ra xem và chép lia lịa. Lần đó, Nam bị điểm 6 còn những bạn xem tài liệu được 9 và 10. Nam ức lắm.

Về nhà nói với chị hai đang học cấp 3, liền bị chị mắng: “Ai bảo em ngu. Chúng nó quay cóp được thì tội gì em không làm. Kỳ này điểm kém thế nào cũng bị ba mẹ rầy cho mà biết”. Không biết Nam có nghe lời chị không, nhưng tư vấn kiểu tính thiệt hơn để rồi gian dối trong học tập chắc chắn sẽ làm vẩn đục sự trong sáng của đứa trẻ.

Dạy trẻ sống trung thực

Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, nói dối là hành động vô thức của các em để tránh những áp lực hoặc sự trừng phạt nào đó của cha mẹ khi các em còn nhỏ tuổi. Nói dối để không ai phải buồn mà lại thoát được tội, nên các em sẵn sàng nói dối trước những tình huống khó xử để tránh rắc rối.

Mặt khác, chính sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh đã vô tình tạo áp lực khiến con cái họ phải đối phó bằng cách nghĩ ra những đáp án không trung thực. Trẻ còn nói dối nếu thấy cần đáp ứng một nhu cầu nào đó... Để dạy trẻ tính trung thực, trước hết, người lớn trong gia đình phải nêu gương.

Ngay từ lúc lên 2, trẻ sẽ ghi nhớ và bắt chước theo mọi câu nói, hành vi, cử chỉ của bố mẹ. Nhiều người nghĩ, có những lời nói dối vô hại, nên không hề ngại ngùng khi thể hiện trước mặt con cái. Khi đi mẫu giáo, đến trường, có thêm những mối quan hệ ngoài gia đình, qua giao tiếp với bạn bè, người lớn, trẻ còn có nhiều cơ hội học bài học “trung thực hay không”.

Vì thế, cha mẹ cần phải giám sát con để kịp thời chỉnh sửa những biểu hiện thiếu trung thực nơi trẻ. Không nên trừng phạt khi bé thú nhận tội lỗi mà nên nhẹ nhàng phân tích thiệt hơn. Tránh cho trẻ ấn tượng rằng trung thực thường thiệt thòi. Khi ý thức rằng nói thật sẽ bị cha mẹ la mắng, trừng phạt, trẻ bắt đầu tìm cách quanh co, nói dối. Một đứa trẻ nói dối cũng rất khổ tâm vì phải sống trong trạng thái áy náy, lo sợ bị phát hiện.

Điều cần thiết nhất là cha mẹ nên để con thấy được nhiều tấm gương trung thực, trong đó, mình phải là người gương mẫu nhất. Khi hứa với con điều gì, dù chỉ là chuyện nhỏ nhặt, cha mẹ nên thực hiện, đừng quanh co, biện minh khi không đáp ứng được sự mong mỏi của trẻ. Khi trẻ trung thực, nên khuyến khích để trẻ biết đó là một tính cách tốt.

Ví dụ bạn đi làm về, cậu con mới 5 tuổi chạy đến thủ thỉ: “Mẹ ơi, con lỡ tay làm vỡ chiếc bình hoa trong phòng khách rồi…”. Bạn nên nhớ là tâm trạng đứa bé lúc này rối bời, sợ hãi và nó phải lấy hết can đảm mới nói lên những lời này. Do đó, bạn cần bình tĩnh, một mặt cho bé thấy lỗi lầm của nó, mặt khác cũng cần biểu dương tính trung thực của con và bỏ qua, không phạt. Đứa trẻ lúc ấy sẽ biết lợi ích của tính trung thực và đức tính này sẽ ảnh hưởng lâu dài trong cuộc sống của con sau này.

Tin cùng chuyên mục