Người mẹ trẻ viết: “Dạy các con kỹ năng phản ứng khi có người lạ mặt tới bắt cóc là việc làm rất đáng hoan nghênh. Nhưng dạy đến mức hôm nào đi học về, tối ngủ cháu cũng nói mớ. Ban ngày còn tỏ ra sợ sệt mỗi khi thấy mẹ hoặc ai đó đeo khẩu trang khi ra đường”. Dù chị và vài phụ huynh trong lớp đã đề nghị cô giáo giảm bớt số lần đóng thế, chọn lọc nội dung truyền tải đến các bé, nhưng tình hình vẫn không cải thiện.
Trước đó vài ngày, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một cô giáo mầm non ở Hà Nội giả làm người lạ, mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang bước vào lớp học, dụ dỗ một số học sinh trong lớp theo mình ra ngoài chơi bằng bim bim, kẹo và đồ chơi. Khi một học sinh trong lớp bị bế đi, rất nhiều bạn khác trong lớp đã gào khóc, chống cự và gọi to tên cô giáo để tìm sự giúp đỡ. Đoạn clip kết thúc bằng việc cô giáo tháo bỏ khẩu trang, cùng tất cả học sinh ngồi lại bàn luận về tình huống. Trong đó, cô giáo lặp đi lặp lại lời nhắc nhở, ngoài việc tuyệt đối không được đi theo người lạ, khi thấy bạn cùng lớp bị bắt đi, cả lớp phải chạy theo kéo bạn lại và hô toáng thật to để mọi người cùng biết. Chỉ sau vài ngày đăng tải, đoạn clip đã thu hút số lượng lớn lượt người xem cũng như bình luận trên mạng xã hội. Trong đó, đa số ý kiến đều đồng tình, ủng hộ cách trường rèn kỹ năng chống người lạ cho học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng về việc trẻ sẽ nảy sinh tâm lý bất an, cảm thấy trường học không phải môi trường an toàn và đề phòng ngay chính cô giáo.
Thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ bắt cóc trẻ em gây hoang mang dư luận. Trước thực tế này, việc các trường chỉ đạo giáo viên tạo ra tình huống giả, qua đó dạy trẻ cách xử lý khi bản thân bị người lạ mặt dụ dỗ hoặc nhìn thấy bạn cùng lớp bị bắt đi là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, thiết nghĩ các trường nên dựa vào độ tuổi, khả năng tiếp nhận của từng khối lớp để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Trong đó, xen kẽ với biện pháp đóng thế, các cô giáo có thể sưu tầm các câu chuyện kể, minh họa bằng video clip trên mạng để giúp học sinh phân biệt thế nào là người quen và người lạ mặt có ý đồ xấu, không chỉ trong lớp học mà ở tất cả môi trường khác như gia đình, một số nơi công cộng. Song, điều quan trọng nhất không phải là việc dạy trẻ phản ứng thế nào khi gặp người lạ mặt mà là ý thức tự bảo vệ, biết phân biệt hành vi tốt - xấu. Chỉ khi giúp trẻ nhận thức được điều đó, bài học mới có ý nghĩa.