Trẻ em bị xâm hại ngày càng tăng
Theo thống kê từ tổng đài 111, trong năm 2021, số lượng trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm 72,84% các vụ xâm hại trẻ em - tăng 5,3% so với năm 2020. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công an cho thấy, trên toàn quốc phát hiện 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, 1.987 em bị xâm hại, giảm 31 vụ so với năm 2020. Còn theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6-2019 đến tháng 6-2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ. Đặc biệt, có hơn 293 trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại.
Qua tâm sự, chị D. (mẹ của em Q., 10 tuổi, một nạn nhân bị xâm hại tình dục, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, con gái chị bị một cụ ông cùng xóm xâm hại cách đây 3 năm. Do mối quan hệ hàng xóm thân thiết, hay tới nhà chơi nên chị D. không đề phòng, đến khi cụ ông này xâm hại em Q. 2 lần thì gia đình mới phát hiện.
Chị D. nhớ lại: “Một hôm ngủ với con, nửa đêm tôi thấy cháu la hét kêu cứu, xin tha, phản ứng dữ dội hơn khi tôi cố ôm cháu vào lòng. Nghĩ có chuyện chẳng lành, sáng hôm sau tôi hỏi và trấn an mãi thì cháu mới kể toàn bộ sự thật. Dù vụ việc đã qua khá lâu, kẻ xấu đã phải trả giá đắt về mặt pháp luật nhưng những cơn ác mộng, nỗi sợ hãi vẫn ám ảnh con tôi suốt nhiều năm qua. Tôi phải xin làm việc gần nhà để dành nhiều thời gian cho con, đưa con đến thăm khám bác sĩ tâm lý thường xuyên, chỉ mong con sớm lãng quên những ký ức đáng sợ đó”.
Theo Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Trần Thị Tâm Nhàn (Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), trẻ bị xâm hại tình dục phải gánh chịu tác động nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe thể chất. Về mặt tâm lý, trẻ sống thu mình, né tránh giao tiếp, lạm dụng chất kích thích, trầm cảm, lo lắng, ảnh hưởng đến các mối quan hệ, học tập và nghề nghiệp… Về thể chất, trẻ có sức khỏe kém hơn, có nguy cơ mắc các bệnh qua đường tình dục, tăng huyết áp, mệt mỏi, suy dinh dưỡng, giảm khả năng vận động và chức năng sinh sản sau này.
Bác sĩ Tâm Nhàn cho rằng, không riêng trẻ mà phụ huynh có con bị xâm hại bản thân cũng rất đau khổ, có mặc cảm tội lỗi, bất lực. Để giúp con, phụ huynh cần thay đổi cách dạy con, tạo môi trường sống an toàn, luôn bên cạnh con, cổ vũ khi con có thành tích, khuyến khích con làm việc tốt, đối xử với con giống như các anh chị em khác để trẻ được sống hòa nhập.
“Nhằm giúp con trẻ tránh nguy cơ bị xâm hại, phụ huynh cần dạy cho trẻ các kỹ năng cần thiết, tự nhận biết các cử chỉ giao tiếp thân thiện và cử chỉ có nguy cơ. Bên cạnh đó, phụ huynh cần bình tĩnh lắng nghe con, dạy con ứng xử đúng cách, dạy cách phản ứng như bỏ chạy, la lớn, hoặc các thế võ tự vệ giúp trẻ thoát ra khỏi tình huống nguy hiểm một cách nhanh nhất”, bác sĩ Nhàn chia sẻ.
Tập kỹ năng tự vệ
Với mong muốn giúp con rèn luyện, nâng cao sức khỏe, biết cách phản kháng, tự vệ khi rơi vào các tình huống nguy hiểm, thời gian gần đây, nhiều phụ huynh tại TPHCM cho con tham gia các lớp võ thuật sau giờ học chính khóa. Khảo sát tại các nhà thiếu nhi quận 12, Gò Vấp, Bình Tân…, ghi nhận các đơn vị này đang tổ chức nhiều lớp học võ cho các em nhỏ vào buổi tối như võ Thiếu lâm, Karate, Vovinam, Akido, Taekwondo…
Đại diện Nhà Thiếu nhi quận 12 cho biết, sau khi bước qua giai đoạn bình thường mới, đơn vị đã mở lại nhiều lớp dạy võ vào buổi tối dành cho các em nhỏ 6-15 tuổi. Chị Vũ Đặng Uyên Như, ngụ quận 12, cho con gái theo học lớp võ thuật Karate ngay từ khi con học lớp 5. Chị cho biết: “Cho con học võ từ sớm nhằm giúp con có sức khỏe dẻo dai và có thể tự vệ những lúc chẳng may gặp sự cố nguy hiểm. Con tôi học võ được 2 năm nay, thấy cháu nhanh nhẹn hơn trước, khả năng phản xạ, xử lý tình huống trong giao tiếp khá tốt nên gia đình tiếp tục cho con theo học lên những cấp cao hơn”.
Chị Phan Thị Thắm (ngụ quận Bình Thạnh) cũng cho con gái theo học bộ môn võ Thiếu lâm tại một lớp dạy võ mở phía dưới chung cư gia đình đang ở từ 3 năm qua. “Ban đầu cho con học chỉ để rèn luyện sức khỏe, tham gia các hoạt động vui chơi cùng bạn bè sau giờ học chính khóa. Nhưng về sau, gia đình tôi thấy cho con học võ là rất cần thiết, giúp con biết cách và tự tin xử lý nếu chẳng may rơi vào tình huống xấu, nhất là vấn nạn xâm hại tình dục. Chống cự thì rất khó, nhưng phòng ngừa thì chúng ta hoàn toàn có thể dạy trẻ làm được ”, chị Thắm nói.
Thầy Đỗ Văn Tiền, giảng viên bộ môn võ Thiếu lâm tại Nhà Thiếu nhi quận 12, cho biết, hiện nay tình trạng bạo lực học đường, ăn hiếp trẻ nhỏ, xâm hại tình dục là vấn đề nhức nhối, lo lắng của toàn xã hội. Do vậy, võ tự vệ rất quan trọng, nhất là đối với các em nữ, đây là những cách để các em thoát hiểm một cách nhanh nhất có thể. “Sau mỗi buổi học tôi đều dành thời gian để tập các thế võ tự vệ cho các em, với các động tác dễ học, dễ nhớ. Học chủ yếu để phòng ngừa, né tránh và thoát thân chứ sức của các em thì chưa thể chống trả lại 100% được”, thầy Tiền chia sẻ.