Con chị bạn 7 năm liền là học sinh giỏi nhờ đạt điểm cao trong các đợt kiểm tra, thi học kỳ. Chị bạn chia sẻ, trước thi học kỳ khoảng 1 tháng, hai vợ chồng tăng tốc thay phiên chở con tới nhà cô giáo để luyện thi, cụ thể là giải các bài tập na ná với đề thi học kỳ. Lúc thì mua bánh mì, xôi, cơm mang theo. Trong một tháng đó, tuần đầu tiên có thể học 2 buổi rồi mỗi tuần còn lại tăng dần 3, 4, 5 buổi. Tùy theo lớp, học phí cho mỗi buổi học từ 150 - 250 ngàn đồng. Có lần tôi đến nhà lúc khoảng 10 giờ tối vẫn thấy cháu ngồi cặm cụi làm bài nên ngồi bên cạnh theo dõi. Chị nói, nhờ vậy con đạt thành tích cao trong học tập.
Làm theo bài mẫu không chỉ ở các môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh mà còn có môn Văn. Như cháu tôi làm văn theo bài mẫu tả “bà ngoại của em” nào là hình dáng già yếu, tóc bạc phơ, lưng còng… Trong khi đó, bà ngoại của cháu chỉ mới ngoài 40 tuổi khỏe mạnh, tóc đen, lưng thẳng…
- Tôi hỏi: Sao tả nhân vật không giống ngoài đời thực?
- Cháu tra lời: Cô giáo bảo phải làm theo bài mẫu thì điểm mới cao.
Muốn cháu độc lập suy nghĩ, hiểu và tả nhân vật theo thực tế nên tôi khuyên “Con hãy quan sát thấy bà ngoại thế nào thì cứ tả đúng, đừng viết những điều không có. Bài văn ấy cháu làm gần 2 trang giấy, tôi đọc qua góp ý thêm và cháu chỉnh sửa bổ sung để có bài văn hoàn chỉnh.
Tuần sau đi học về, cháu đưa cho tôi bài văn có lời phê của cô giáo: Trừ 3 điểm, chỉ còn 5 điểm, vì không làm theo mẫu - Bà ngoại phải có hình dáng “già yếu, tóc bạc phơ, lưng còng…”.
Câu chuyện làm tôi nhớ mãi, đó là trong lễ tổng kết cấp tiểu học, một em thiếu nhi cũng là học sinh trường đó chỉ khoảng 10 tuổi được giới thiệu là một trong những học sinh đạt danh hiệu giỏi xuất sắc đại diện học sinh toàn trường lên bục phát biểu cảm nghĩ. Tuy không cầm giấy đọc nhưng nội dung em học sinh này nói như đã học thuộc lòng những lời người lớn soạn sẵn, trình diễn rập khuôn theo kịch bản trước đó. Đó là từ ngữ chưa dành cho các lứa tuổi thiếu nhi nhưng người lớn đã tập cho các em bắt chước một cách thụ động, nói những điều không phải tự nghĩ ra, thể hiện cử chỉ không phải là chính mình.
Tôi cảm thấy thương các em thiếu nhi buộc phải suy nghĩ và nói theo ý kiến người lớn, khi còn nhỏ đã làm quen với những điều huyễn hoặc chính mình. Sau này đối diện với thực tế cuộc sống sẽ ra sao? Các em có tự nghĩ tự làm, hay lệ thuộc người khác?
Chương trình dạy và học bây giờ vẫn “thầy đọc, trò chép”, giáo viên lên lớp chủ yếu đảm bảo thời lượng trong giáo trình, khi thi hoặc kiểm tra chỉ cần chép nguyên xi bài giảng là có điểm cao. Không ít phụ huynh vô tình hỗ trợ cho con mình học tủ, làm theo bài mẫu. Điều này góp phần làm thui chột suy nghĩ độc lập, học sinh chỉ cần bắt chước làm theo.
Phải chăng chính cách đào tạo học tủ, học mẫu, chỉ cần làm theo như thế tạo ra thế hệ không tự chủ trong tư duy và dễ bị lôi kéo vào cái xấu? Như: Thấy các vi phạm về luật giao thông thì mình cũng vi; Thấy cảnh bạo lực, cá nhân ích kỷ, hám lợi trước mắt, sống vội vàng bất chấp, ngại thay đổi, kém sáng tạo, bệnh sĩ diện, lười biếng, thích phê phán thì cũng làm theo?
Tôi ấn tượng với đứa con trai 8 tuổi của chị bạn ở Đức trong lần về Việt Nam. Cậu bé tự nghĩ, mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình trước những người xung quanh. Như lúc gia đình cùng đi siêu thị, chị bạn muốn mua tặng cha mình chiếc áo nên hỏi ông thích loại nào nhưng lại nhận được câu trả lời: “Tùy con, loại nào cũng được mà”, cậu bé sẵn đứng bên cạnh đó liền nói: “Ông hãy nói ông thích mặc áo kiểu nào, mẹ con mới biết để mua”.
Quan sát, tôi thấy cậu bé còn có năng lực nhận xét, bình phẩm tình huống diễn ra một cách độc lập. Chẳng hạn trong lúc cả nhà cùng ngồi ăn uống trò chuyện với nhau thì một người bất chợt hỏi cậu bé: “Ai quan trọng nhất đối với con?”, khi đó có người gợi ý: “Cha hay mẹ?”, nhưng cậu bé đã trả lời hoàn toàn khác “Con là quan trọng nhất với chính mình”.
Chị bạn kể “Trường tiểu học ở Đức có môn học “Trách nhiệm bản thân” rèn luyện cho học sinh cách nghĩ, cách tư duy và tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Ngoài kiến thức bài giảng, không câu nệ vào khuôn mẫu đã định, giáo viên còn có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh biết đối diện với tình huống không lường trước và khả năng có thể sai để tự điều chỉnh cho thích hợp, coi trọng cách học hơn là đạt kết quả cụ thể nhất thời.
Nước ta trong suốt chiều dài lịch sử có rất nhiều tấm gương tuổi trẻ, nhi đồng, thiếu niên với ý chí quật cường, độc lập trong suy nghĩ, khẳng định chính mình… Tiếc là nhiều năm qua ngành giáo chạy theo thành tích “ảo”, chưa coi trọng khâu rèn luyện phẩm chất tư duy độc lập và dám là chính mình cho học sinh nhỏ tuổi. Thi cử thì học tủ, thi học sinh giỏi thì luyện bài mẫu. Cùng ru ngủ nhau nằng những điểm số cao ngất ngưỡng, lớp đạt 42/43 học sinh giỏi và xuất sắc. Trên ghế nhà trường cách học làm theo bài mẫu, thầy nói, trò chép. Hệ lụy là học sinh thụ động, quen với ảo giác và những điều không có thật gán cho mình. Khi đối diện với thực tế thì lúng túng, những thành tích “ảo” đó đã tan vỡ như bong bóng.
Tôi nghĩ, ngành giáo dục cần nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận học thật thi thật, đừng chạy theo thành tích “ảo”. Nên rèn luyện cho học sinh hãy là chính mình, làm theo suy nghĩ mình cho là đúng, dám chịu trách nhiệm với những điều đó và tự khẳng định bản thân mình. Trước tiên, người lớn phải nêu gương trung thực, phê phán thói hư danh và dối trá.
Hơn nữa, thay đổi cách dạy và cách học, chú trọng hiểu hơn là biết. Không chỉ dạy cho học sinh biết cái gì mà là giúp học sinh hiểu tại sao, bằng cách nào biết được cái đó. Bài giảng không nên cứng nhắc, không lệ thuộc vào những giáo điều, sao cho học sinh thích nghi với những biến đổi ngẫu hứng, chủ động tư duy sáng tạo, có khả năng tự thay đổi.
Cách giáo dục này có thể không cung cấp nhiều kiến thức nhưng có thể giúp học sinh tự học, tìm tòi, hiểu sâu hơn, thậm chí hiểu khác đi bằng cách sáng tạo và tự điều chỉnh. Điều này đơn giản, không khó, còn cắt giảm khối lượng kiến thức đồ sộ mà học sinh phải học thuộc. Nhiều khi chỉ đưa ra một tình huống, một đoạn văn rồi hướng dẫn học sinh cách hiểu về bối cảnh, tác giả, hàm ý chính còn hơn là dạy tràn lan cả tác phẩm dài dòng.
Học thêm để luyện làm theo bài mẫu sao cho có điểm cao trong kỳ thi, kiểm tra học kỳ không phải xuất phát từ tinh thần ham học hỏi của học sinh mà là ý muốn của phụ huynh. Phụ huynh thường chú trọng thành tích tốt, con có điểm thi cao sao cho đạt học sinh giỏi hay xuất sắc nhưng lại quên rằng chính hiểu biết, kiến thức, kỹ năng mới quan trọng.
Để hướng tới một Việt Nam và con người chuẩn mực trong bối cảnh hiện nay và mai sau, phục vụ mục tiêu đưa đất nước “hóa rồng, hóa hổ” là phải học thật, làm thật.
Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn |