Dạy từ thuở còn thơ
“Mẹ ơi, tuần này bạn Ngọc tổ chức sinh nhật. Mẹ cho Bi tiền mua quà tặng bạn nha. Chỉ 200.000 đồng thôi à”, bé Lan Phương 5 tuổi, con chị Bích Ngọc ngụ quận Gò Vấp (TPHCM) vòi vĩnh mẹ.
Theo chị Ngọc, từ đầu tháng tới nay, Ngọc có hàng chục bạn nhỏ tổ chức sinh nhật và cô bé đều xin tiền mẹ như thế. Nếu chỉ cho vài chục ngàn đồng, bé sẽ khóc ầm lên, đòi số tiền lớn hơn. Bé Lan Phương xin số tiền cụ thể, vì các phụ huynh khác cũng cho con họ như thế để đóng góp mua quà tặng bạn. Lúc thì sợi dây chuyền, có khi là đôi bông tai. Mỗi tháng tốn tới vài triệu đồng cho sinh nhật bạn bè không phải là nhiều nhưng đối với trẻ nhỏ thì quả là sự lãng phí, thậm chí xa xỉ đối với với một số gia đình khó khăn.
Không chiều con như chị Ngọc, chị Lan Anh, ngụ đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TPHCM chia sẻ, bé nhà chị vô lớp 1 đã được mẹ rèn về cách chi tiêu. Chị sẽ trợ cấp cho con số tiền tiêu vặt hàng tuần là 50.000 đồng. Cơm nước, đồ ăn vặt như bánh kẹo, sữa tươi... đã có sẵn ở nhà, nên số tiền trên hầu như được bé chi tiêu khá kỹ. Chỉ dành tiền mẹ cho vào dịp sinh nhật bạn, thường là mua sách vở, kẹp tóc tặng nhau. Ngoài ra, bé cũng phụ giúp việc nhà, chẳng hạn như lau nhà, đổ rác, dọn dẹp tủ sách... để gia tăng thu nhập.
“Chúng tôi đối chiếu sổ sách ghi chép làm việc nhà của bé hàng ngày, cuối tuần kết sổ để thống nhất “trả lương”. Nếu bé không làm tốt sẽ trừ lương theo thỏa thuận. Ngược lại, nếu làm tốt còn được cộng thêm lương vào các dịp lễ, tết... Tôi cũng hướng dẫn con ghi chép sổ sách cẩn thận các khoản chi tiêu hàng ngày và dự tính chi trong tháng. Nếu phát sinh thêm, bé tự cân đối nguồn tài chính”, chị Lan Anh nói.
Chị Lan Anh cũng cho biết, ban đầu hơi “rối” do bé chưa quen, nhiều lần bé bị thâm hụt ngân quỹ, nhưng sau đó cũng ổn, giờ thì mỗi tháng cũng để được dư vài trăm ngàn đồng. Bé hiểu rằng, nếu thiếu mẹ cũng không cho thêm, bởi mẹ khá nghiêm khắc. Thời điểm này, mỗi đồng tiền làm ra bé đều rất trân quý, thậm chí mua cây kẹo mút, bé cũng nâng lên đặt xuống xem mình nên mua 1 cây hay 2 cây.
Công khai khả năng tài chính gia đình
Anh Lê Trạch Hoàng, một giáo viên, ngụ tại đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TPHCM kể câu chuyện vợ chồng anh luôn công khai khả năng tài chính với các con. Ngay từ khi các bé còn nhỏ, đang ở độ tuổi học mẫu giáo, anh Hoàng đã chia sẻ với lũ trẻ rằng, đồng tiền làm ra rất khó khăn và không hề dễ dàng. Điều này giúp các bé hiểu và trân trọng đồng tiền mà người lớn làm ra. Chính vì thế, các bé được định hướng chi tiêu chừng mực, có kế hoạch cụ thể. Toàn bộ tiền lì xì tết, sinh nhật... của 2 bé đều được làm thành 2 sổ tiết kiệm. Các con được chỉ bảo cặn kẽ rằng, số tiền này sẽ dành cho những việc quan trọng như mua đàn, tài liệu học tập hoặc đi du lịch cùng gia đình và các cháu cũng đồng ý. Ngoài ra, các bé cũng được định hướng sẽ trích 1/10 số tiền này để hỗ trợ các mái ấm, nhà mở, các hoàn cảnh khó khăn và lũ trẻ rất hào hứng với ý tưởng này.
Chính anh Lê Trạch Hoàng cũng thừa nhận, ban đầu nghiêm khắc, thấy con nhỏ chật vật xoay trở với cách quản lý vài chục ngàn đồng mỗi tuần, anh thấy vừa thương và buồn cười. Nhưng sau đó, chính nền nếp đã rèn được các bé vào khuôn khổ. Khi vợ chồng anh Hoàng mua hàng tại siêu thị, anh chị sẽ trao đổi trước với hai cháu nhỏ rằng, hôm nay gia đình sẽ ăn gì, có bao nhiêu tiền trong túi, nên cân nhắc mua các món ăn tương đồng với giá cả hợp lý, có nhiều khuyến mãi. Đứa trẻ được ba mẹ tham khảo ý kiến cũng có cảm giác mình “người lớn” hơn nên cũng trách nhiệm hỗ trợ ba mẹ mua hàng, qua đó gián tiếp giúp bé biết cách chi tiêu, tính toán.
Trước đây, nhiều phụ huynh có quan niệm rằng, cho con tiêu tiền sớm sinh hư, khó dạy. Thực tế cũng có những bé cậy thế phách lối vì được người lớn truyền đạt rằng “có tiền là có tất cả”, khiến bé hiểu sai lệch về giá trị đồng tiền. Chính vì vậy, việc dạy bé cách chi tiêu từ khi còn nhỏ cũng chính là bài học để bé rèn luyện, trưởng thành. Chưa kể, những đứa trẻ được dạy bảo tốt ngay từ nhỏ về cách quản lý, chi tiêu có khả năng độc lập tài chính cao trong tương lai.