Trong khi ở hầu hết các huyện, thị, thành phố… vấn đề quản lý việc dạy thêm, học thêm khá nan giải, thì tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), hoạt động này đang được khuyến khích vì hoàn toàn miễn phí và từng bước mang lại hiệu quả tích cực.
Hết lòng vì học sinh
Chúng tôi đến Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) vào đầu giờ chiều, ngôi trường nằm nép mình bên sườn núi hoang sơ, hẻo lánh nhưng rất náo nhiệt bởi tiếng đánh vần rôm rả của học sinh. Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Văn Khải khá bất ngờ, nói: “Trường nằm ở vùng sâu. Khá lâu mới có khách đến thăm. Vui quá!”. Nói rồi, thầy Khải hồ hởi dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh trường. Tại lớp 1A1, cô giáo Trần Thị Thuê đang say sưa dạy chữ cho các em. Cô Thuê viết chữ lên bảng, sau đó yêu cầu các em đọc theo. Còn tại phòng học bên cạnh, cô Nguyễn Thị Minh Hòa, chủ nhiệm lớp 1A2 đến vị trí từng em ngồi để chỉ cách viết từng chữ cái cho đúng. Có em quên mặt chữ, cô Hòa lại ngồi bên cạnh và ân cần chỉ cách đọc và viết. Tương tự, tại các phòng học của lớp 1, 2 và 3 còn lại, thầy và trò vẫn mải mê với từng chữ số, con chữ.
Lớp dạy thêm miễn phí ở Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng
Theo thầy Khải, những hình ảnh chúng tôi vừa ghi nhận không phải buổi dạy chính của trường mà là các giáo viên đang dạy thêm miễn phí cho các em. “Hầu hết các buổi dạy chính đều diễn ra buổi sáng. Riêng buổi chiều dành để củng cố lại kiến thức cho học trò. Bản thân tôi cũng tham gia dạy thêm”, thầy Khải kể. Cô Nguyễn Thị Minh Hòa chia sẻ: “Ngoài dạy thêm 3 buổi/tuần như kế hoạch, những lúc thấy các em không hiểu bài, hoặc tiếp thu chậm thì tôi dạy bồi dưỡng thêm. Dù không có chế độ, thù lao gì, nhưng chúng tôi luôn muốn các em học tốt hơn, đọc thông viết thạo. Qua những buổi dạy thêm, thấy các em đọc rành rẽ bảng chữ cái, làm được một phép toán, chúng tôi thấy phấn khởi; từ đó có thêm động lực và yêu nghề hơn”.
Chia tay với thầy và trò Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng, chiều tối cùng ngày, chúng tôi đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kroong (xã Kroong). Trường nằm cách trung tâm huyện Kbang gần 30km đường đồi dốc, có đoạn bùn đất nhầy nhụa nên phải mất gần 2 giờ mới đến nơi. Ngôi trường bán trú gồm nhiều gian. Có gian thư viện dành cho học sinh đọc truyện, những gian khác nằm trên dãy tầng lầu dùng để dạy thêm. Lớp dạy thêm của cô Nguyễn Thị Hương gồm 15 học sinh lớp 1 và 2. Đây là những học sinh yếu được cô gộp lại để tiện thể kèm cặp. Các học sinh này được sắp xếp ngồi theo từng dãy. Cô Hương đứng dãy bên trái, nơi các em lớp 1 ngồi để hướng dẫn tập viết. Trong khi đó, ở dãy bên phải của học sinh lớp 2, thi thoảng có em giơ tay ra hiệu xin “trợ giúp”. Thầy Dương Văn Phúc, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Dù là trường bán trú nhưng do điều kiện khó khăn nên các em được bố trí ở lại trường. Ngoài các buổi học chính vào ban ngày, tối đến, các thầy cô được phân công trực đêm đều tổ chức dạy thêm miễn phí cho các em. Trung bình mỗi tuần dạy thêm từ 2 - 3 buổi. Riêng những giáo viên nhà ở gần trường, ngoài dạy thêm tại trường, còn đưa các em về nhà để dạy kèm”.
Hiệu quả tích cực
Ông Trần Trung Trực, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kbang, cho biết: “Học sinh trên địa bàn chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do cuộc sống, một số gia đình ít quan tâm đến việc học của con em. Một thực tế nữa là chất lượng đầu vào của học sinh còn khá yếu, nên ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, trong đó ưu tiên việc đọc và viết trước. Một trong các giải pháp là khoán chất lượng cho các trường. Vào đầu năm học, phòng giáo dục thành lập đoàn đến các trường để khảo sát chất lượng. Sau đó, các trường cam kết trong năm học sẽ nâng cao chất lượng học sinh như thế nào. Việc giao khoán như thế nào sẽ căn cứ vào thực tế chất lượng học sinh của mỗi trường chứ không áp đặt chung hay chạy theo thành tích. Riêng các trường, khi đã nhận khoán sẽ phải tìm các biện pháp để nâng cao kiến thức học sinh; trong đó có việc tổ chức dạy thêm, dạy kèm”.
Còn theo thầy Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng, có nhiều em khi vào lớp 1 chỉ biết nói tiếng của dân tộc mình chứ không nói được tiếng Việt. Các em lại nghỉ học nhiều nên việc dạy và học rất khó. “Chúng tôi chia nhau xuống tận buôn làng chở các em đi học. Có lúc còn tặng xe đạp, mua viết, vở để khuyến khích các em đến trường. Chúng tôi xác định việc đầu tiên là phải dạy cho các em biết đọc, biết viết thì học trò mới thích thú đến lớp. Học giờ chính không đủ, nhà trường phải lên kế hoạch dạy thêm ngoài giờ. Nhờ thời gian dạy thêm mà thầy cô được gần gũi, chỉ bảo các em từng li từng tí nên chất lượng chuyển biến rất rõ. Nhiều em từ chỗ chán nản do không biết đọc, nay đã viết, đọc thành thục nên rất hào hứng, say mê học tập”, thầy Khải vui mừng cho biết.
HỮU PHÚC