“Dạy” phái nam chống bạo lực gia đình

Chiến dịch truyền thông kêu gọi “Mình là đàn ông, mình chống bạo lực gia đình” đang được triển khai ở nhiều nơi nhằm thay đổi nhận thức, hành động của đàn ông - chủ thể gây ra bạo lực gia đình.
“Dạy” phái nam chống bạo lực gia đình

Chiến dịch truyền thông kêu gọi “Mình là đàn ông, mình chống bạo lực gia đình” đang được triển khai ở nhiều nơi nhằm thay đổi nhận thức, hành động của đàn ông - chủ thể gây ra bạo lực gia đình.

Bạo lực sinh ra bạo lực

Từ nhỏ đến lớn, chứng kiến người cha nát rượu hay đánh đập người mẹ lam lũ, cực khổ, chẳng những không chia sẻ với mẹ mà Hùng - cậu con trai trưởng cũng bị nhiễm tính vũ phu của cha.

Sau khi lấy vợ cùng quê ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Hùng thường làm bạn với rượu chè và không ít lần thượng cẳng chân hạ cẳng tay “dạy vợ” lúc nào cảm thấy không vui. Không chịu nỗi, vợ Hùng đã uống thuốc rầy để quyên sinh nhưng được bà con cứu sống kịp thời...

Minh họa: A.DŨNG
Minh họa: A.DŨNG

Một học sinh lớp 11 ở TPHCM đã đánh bạn bị chấn thương nặng chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ. Khi được hỏi vì sao lại dùng bạo lực với bạn thì cậu ta trả lời tỉnh bơ rằng “ở nhà con thấy ba cũng hay đánh mẹ đấy thôi”.

Nghiên cứu thực tế, nhiều chuyên gia tâm lý xã hội đã đúc kết: “Bạo lực sinh ra bạo lực”. Ngược lại, những cậu bé được nuôi dưỡng trong môi trường của tình thương, biết sẻ chia, tôn trọng thì lớn lên họ cũng luôn trân trọng, gieo hạt yêu thương cho người bạn đời của mình.

Nguyên nhân dẫn đến bạo hành gia đình chính là do ý thức hệ “trọng nam khinh nữ”. Phần đông đàn ông gây ra bạo lực đều cho rằng họ có quyền sử dụng vũ lực để dạy vợ, dạy con. Chính vì thế, để thay đổi nhận thức và hành động của đàn ông thì ngay từ nhỏ, các bé trai phải được dạy dỗ biết tôn trọng phụ nữ và bạn gái.

Khẩu hiệu “Mình là đàn ông mình tôn trọng phụ nữ” hoặc “Người đàn ông mẫu mực là người luôn đấu tranh để chấm dứt bạo lực gia đình” cần được tuyên truyền sâu rộng từ gia đình, trường học đến toàn xã hội. Chắc hẳn các bé trai được học từ nhỏ những bài học tôn trọng phụ nữ, bạn gái thì khi trưởng thành sẽ hiểu rõ hơn về bình đẳng giới, biết tôn trọng, chia sẻ với người bạn đời. Nền tảng vững chắc này sẽ góp phần giảm dần bóng đen bạo lực gia đình.

Không thể chậm trễ

Bóng đen bạo lực gia đình đang xảy ra ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn và ngày càng nghiêm trọng. Theo Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch), cứ 5 cặp vợ chồng ở Việt Nam thì có 1 cặp từng trải qua các hình thức bạo lực gia đình trầm trọng, trong đó nạn nhân chính là phụ nữ. Nhiều phụ nữ phải âm thầm chịu đựng nỗi khổ bạo hành đến mức kiệt quệ về tinh thần lẫn sức khỏe và phải cầu cứu đến pháp luật, cơ quan báo chí can thiệp. Chính vì thế, muốn chống bạo lực gia đình thì phải tác động để đàn ông thay đổi nhận thức.

Bà Lê Minh Nga, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý giáo dục - tình yêu hôn nhân - gia đình cho rằng, chủ thể gây ra nạn bạo hành gia đình lâu nay là đàn ông nhưng lại ít được tuyên truyền giáo dục để giúp họ thay đổi nhận thức, không tự xem mình là “chúa”, còn vợ là “tôi”.

Tuy nhiên, dù dự báo việc thực hiện dự án này sẽ gặp nhiều khó khăn vì phần đông các ông chồng không muốn thừa nhận việc “dạy vợ” bằng bạo lực nhưng các nhà tâm lý, xã hội học, nhân quyền vẫn quyết tâm phải đi tới đích, tìm lại sự bình quyền, sự tôn trọng cho phụ nữ thời hiện đại

KHÁNH HÀ

Chiến dịch truyền thông phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam do Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch), Tổ chức Hòa bình và Phát triển cùng một số tổ chức của Liên hiệp quốc phát động trong 2 năm 2009-2010 với chủ đề “Mình là đàn ông, mình chống bạo lực gia đình”. Từ cuối năm 2009 đến nay, ngoài thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, chiến dịch này còn có nhiều hoạt động tương tác với hàng ngàn đối tượng là nam giới ở Hà Nội, TPHCM và lập các nhóm đối thoại với nam giới ở nhiều tỉnh, thành. Mục tiêu của chiến dịch nhằm kêu gọi nam giới không sử dụng bạo lực gia đình và nhận thức đúng vấn đề bình đẳng giới, tôn trọng và chia sẻ với phụ nữ.

Tin cùng chuyên mục