Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới cho địa bàn đặc biệt khó khăn là 791.909 tỷ đồng, bằng 38,1% tổng vốn huy động của cả nước. Đến tháng 11-2020, cả nước có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30A thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020, có khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tiếp tục hỗ trợ các địa phương ở vùng đặc biệt khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập, kinh tế - xã hội so với các vùng, miền khác của cả nước trong giai đoạn 2021-2025. Công tác xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn mới phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, vùng miền, không nên máy móc áp dụng các kinh nghiệm và mô hình, không nhất thiết xây dựng bằng được xã đạt chuẩn nông thôn mới, trước mắt có thể tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp ở khu vực này, ưu tiên các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển ngành nghề.