Chính phủ Indonesia xác định để điều hành bộ máy chính phủ khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới cần có những thay đổi cơ bản.
Vài năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) và số hóa đã trở thành thuật ngữ được Chính phủ Indonesia rất quan tâm.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi kỹ thuật số cũng như hướng tới một chính phủ điện tử được Tổng thống Joko Widodo thường xuyên nhắc tới trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Ông Widodo đã bổ nhiệm những nhân vật có ảnh hưởng trong lĩnh vực công nghệ vào nội các hay vào đội ngũ chuyên gia cố vấn.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Johnny G Plate, một trong những nhân vật này, khẳng định Indonesia sẵn sàng trở thành một quốc gia kỹ thuật số vào năm 2035 và đang chuẩn bị tất cả các cơ sở hạ tầng cần thiết ngay bây giờ.
Tổng thống Jokowi cũng bày tỏ mong muốn thay thế các chức năng phục vụ dân sự bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là những bước đi cần thiết để thiết lập một chính phủ điện tử ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông để các cơ quan chính phủ làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.
Chính phủ Indonesia hy vọng rằng chính phủ điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước. Indonesia đã có một số sáng kiến về chính phủ điện tử như ID (thẻ căn cước) điện tử, thiết lập thị trường mua sắm điện tử. Ngoài ra, còn có sáng kiến hồ sơ thuế điện tử để người nộp thuế điền vào tờ khai thuế thu nhập thuận tiện.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là phải quản lý dữ liệu chặt chẽ để giới chức trách Indonesia có thể sử dụng một cách hiệu quả trong quá trình điều hành công việc. Chính phủ cần xây dựng một cơ sở dữ liệu duy nhất chứa tất cả dữ liệu chính xác sau khi được thu thập. Mới đây, Tổng thống Jokowi đã ký một quy định với tên gọi Satu Data Indonesia (một dữ liệu Indonesia) để quản lý dữ liệu tích hợp. Theo điều khoản trong quy định trên, cơ quan chính phủ sản xuất dữ liệu chính xác, cập nhật, tích hợp và có trách nhiệm, để chính quyền trung ương và khu vực có thể truy cập và sử dụng được.
Theo giới chuyên gia, để đạt được một nguồn dữ liệu đáng tin cậy, chính phủ cần có sự cam kết và hỗ trợ thực chất để liên tục xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu. Đây được cho là một dự án dài hơi, một quá trình làm việc liên tục để xây dựng hệ thống hoàn chỉnh, đòi hỏi những yếu tố quan trọng như năng lực quản lý cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng máy chủ đáng tin cậy, an toàn và sự hợp tác của tất cả các cơ quan thuộc chính phủ.
Một khi hoàn thiện dự án cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, Chính phủ Indonesia có thể tính đến phương án sử dụng AI dự báo xu hướng trong tương lai trên cơ sở dữ liệu đã có. Ngoài ra, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên chính phủ để áp dụng công nghệ mới và đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công thông qua mạng Internet.