Chiều 26-12, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu – Thực trạng và giải pháp”.
Theo đánh giá của cơ quan thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, chống thất thu và tăng thu ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi mua xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ yêu cầu người bán hàng lập hóa đơn theo đúng số lượng hàng hóa đã mua cũng là giải pháp giúp tăng cường công tác quản lý thuế, tạo thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Trước đó, ngày 1-12-2023 Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Tổng cục Thuế cũng có 2 Công văn liên quan đến triển khai hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu… Trên thực tế, quy định về xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán xăng, dầu đã bắt đầu thực hiện từ ngày 1-7-2022 và đây là chủ trương lớn của ngành xăng, dầu.
Thống kê từ Bộ Công thương, cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó khối các doanh nghiệp Nhà nước có gần 6.000 cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ - thương nhân phân phối có hơn 10.000 cửa hàng.
Các số liệu cũng cho thấy, bình quân mỗi năm cả nước tiêu thụ xấp xỉ 20,5 - 21 triệu m3 - tấn xăng, dầu. Như vậy, nếu nhân với số hóa đơn sẽ phải xuất ra mỗi lần bán lẻ theo chủ trương mới sẽ lên tới hàng chục triệu hóa đơn, thậm chí cả trăm triệu hóa đơn mới được phát hành mỗi tháng.
Tuy vậy, cơ quan chức năng thông tin, hiện mới có 2 doanh nghiệp gồm Saigon Petro và Petrolimex thực hiện khoảng 3.000 cửa hàng (chiếm khoảng 16% cả nước).
Theo ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế, gần đây Thủ tướng Chính Phủ có 2 công điện về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu. Ngay sau đó, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính cũng có những chỉ đạo rất sát về vấn đề này, từ lúc xây dựng Nghị định 123, Nghị định 8. Tuy vậy, quá trình xây dựng pháp luật không phải ban hành được ngay, mà đi từng bước.
Cụ thể, từ ngày 1-7-2022 khi luật được ban hành, Tổng Cục thuế đã có 2 năm chuẩn bị về mặt pháp luật. Trước đó, Tổng Cục thuế đã đưa những thông tin lên website, các hội thảo, xin ý kiến các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp…
Từ đầu năm 2023 đến nay, Tổng Cục Thuế tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền tại các nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại ở các địa phương. Cùng với đó, triển khai hóa đơn điện tử với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cập nhật mới nhất là có trên 3.000 cửa hàng thực hiện việc này. Hóa đơn điện tử xuất từng lần mang lại nhiều lợi ích.
Ở góc độ doanh nghiệp, sẽ giúp các đơn vị thay đổi công nghệ quản lý, quản trị, nâng cao thương hiệu, uy tín khi quản lý bằng công nghệ. Quan trọng hơn, không phải mỗi xăng dầu mà tất cả hàng hóa khi xuất hóa đơn điện tử sẽ đem đến nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng. Dần dần, tất cả hàng hóa sẽ xác định được nguồn gốc, tiêu chuẩn như công bố của đơn vị sản xuất. Góc độ các cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ giảm thiểu được hành vi gian lận (nếu có).
“Đến một ngày nào đó sẽ giảm chi phí của doanh nghiệp. Đại diện ngành thuế, chúng tôi cũng chia sẻ những vướng mắc về thủ tục ngành thuế, ghi nhận những khó khăn của các doanh nghiệp. Ghi nhận những việc trên, ngành thuế sẽ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp đã có quy định rồi, chúng tôi sẽ báo cáo lại cho quý vị”, ông Mai Sơn nhấn mạnh.