Sáng 16-11, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tự chủ đại học - Nhìn từ chính sách, pháp luật”. Tham gia tọa đàm có PGS. TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, tự chủ đại học (ĐH) là một thuộc tính, nhu cầu tự thân của ĐH. Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập ban hành cuối năm 2014 nhằm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, với nhiều điểm đột phá đã tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH mạnh dạn xin thực hiện tự chủ hoàn toàn.
Đến nay có 23 trường ĐH được tự chủ cho là chất xúc tác mạnh, tạo động lực cho toàn hệ thống GDĐH phát triển, minh chứng cho tính đúng đắn từ tinh thần của nghị quyết. Từ thí điểm đó có kết quả tốt thì sẽ tiến hành nhân rộng.
Sau hơn 3 năm thực hiện, những kết quả bước đầu đã rất tích cực, nội dung của thí điểm cho 23 trường của Nghị quyết 77/NQ-CP hiện nay đang được thể chế hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH mà Quốc hội sắp thông qua. Nội dung Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm trên 3 mặt: tự chủ về chuyên môn, nhân sự tổ chức và tài chính, tài sản.
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 77/NQ-CP cũng cho thấy những trường được thí điểm tự chủ còn vướng nhiều rào cản, trong đó chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập. Cơ chế quản lý theo chế độ bộ chủ quản không còn phù hợp. Thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường…
Với mục đích khắc phục những bất cập đang cản trở quá trình tự chủ ĐH, tạo môi trường phát triển cạnh tranh lành mạnh công bằng giữa các ĐH công và tư, Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH mà Quốc hội dự kiến thông qua vào ngày 19-11 tới sẽ tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy GDĐH phát triển và hội nhập.
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS. TS Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, bên cạnh những tác động tích cực, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng gặp rất nhiều vướng mắc và khó khăn, trong đó có vấn đề về tài chính. Nguồn ngân sách nhà trường sau tự chủ chủ yếu dựa vào học phí, việc này ảnh hưởng đến việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ sở vật chất của nhà trường.
Đặc biệt, đối với trường kỹ thuật và công nghệ như trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học và cơ sở vật chất những trang thiết bị hiện đại, đắt tiền, không thể dựa vào học phí. Trong 2 năm đầu tự chủ, nguồn thu chủ yếu là học phí nên việc nghiên cứu khoa học và cơ sở vật chất của nhà trường còn hạn chế.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Mở Hà Nội (trường công đầu tiên tự chủ được chi thường xuyên) cũng cho hay, là một trong những đơn vị đầu tiên từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngay từ khi mới bắt đầu thành lập đã được Nhà nước giao cho tự chủ về chi thường xuyên. Đây cũng là áp lực và khó khăn của nhà trường, phải tự cân đối, tự tìm, tự huy động nguồn vốn, nguồn lực cho nhà trường ổn định để có thể phát triển.
Tuy nhiên, cái khó ló cái khôn, trường đã xử lý khá hiệu quả. Chẳng hạn về nhân sự, do nguồn kinh phí hạn hẹp không cho phép nhà trường trong việc tuyển dụng ồ ạt đội ngũ cán bộ cơ hữu, trong đó chủ lực là Đảng viên, nên trường ký hợp đồng thỉnh giảng thay vì tuyển dụng cơ hữu với những đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi, thu hút về phục vụ cho nhà trường.
Thế nên, tổ chức bộ máy của nhà trường rất tinh giản, gọn nhẹ. Trường cũng xác định rõ ràng đối tượng mà nhà trường hướng tới. Đa số các trường học lúc bấy giờ hướng tới đối tượng là các em học từ THPT lên học ĐH, nhưng với ĐH Mở Hà Nội xác định đối tượng chủ yếu là những người đã có công ăn việc làm, thậm chí là những người đã có bằng cấp nhưng là những người thật sự có nhu cầu được trang bị kiến thức, được đào tạo bài bản.
Đến nay, trường vẫn theo đuổi mục tiêu, xác định đối tượng rõ ràng như vậy nên rất hiệu quả. Bên cạnh đó, thay vì đưa người học đến với mình, thì trường mang lớp học đến với người có nhu cầu cần học. Thời gian qua, ĐH Mở Hà Nội đã huy động rất tốt các nguồn lực từ xã hội trong điều kiện trường chưa được đầu tư thỏa đáng về điều kiện cơ sở vật chất.
Trường huy động nguồn lực đó từ các đơn vị liên kết và nằm rải rác trên khắp cả nước, những nơi nào có thể đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất là trường mang lớp học đến cho người có nhu cầu học. Đó là một đặc thù từ ĐH Mở Hà Nội khác so với ĐH Bách Khoa Hà Nội hay ĐH Kinh tế Quốc dân và một số trường công khác thực hiện thí điểm tự chủ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, một trong những điểm đột phá của Luật GDĐH sửa đổi lần này là tạo cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến trình tự chủ của các trường ĐH cùng với tự chịu trách nhiệm, nâng cao tính sáng tạo, cạnh tranh và phát triển, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước. Để phát triển và hội nhập, GDĐH Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác là phải thực hiện đẩy mạnh tự chủ ĐH theo lộ trình và điều kiện của đất nước, nhưng về cơ bản phải theo quy luật phát triển GDĐH thế giới.
Nhìn từ các trường ĐH đã ít nhiều thành công trong cơ chế tự chủ cho thấy, không phải không có những e dè, lo ngại nếu “bầu sữa” ngân sách bị cắt giảm. Song, thuận lợi mà trường có được khi thực hiện theo cơ chế tự chủ lại rất lớn.
Nhiều ràng buộc mang tính chất hành chính, quản lý nhà nước được tháo gỡ đáng kể. Trường được chủ động mở chương trình đào tạo mới, tuyển dụng giảng viên giỏi, liên kết với các trường quốc tế để đa dạng hóa sản phẩm đào tạo.