Cuộc họp nhằm thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: kết quả chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương) theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 21 đến nay; kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định và định giá tài sản trong giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; tình hình, kết quả thành lập và hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo tại cuộc họp, từ sau phiên họp thứ 21 (tháng 1-2022) của Ban Chỉ đạo Trung ương đến nay, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, có bước chuyển biến mới, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ, 4.646 bị can; truy tố 2.157 vụ, 4.564 bị can; xét xử sơ thẩm 2.198 vụ, 4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 10 vụ án, 37 bị can; kết thúc điều tra 16 vụ án, 248 bị can; kết luận điều tra bổ sung 8 vụ án, 148 bị can; truy tố 13 vụ án, 122 bị can; xét xử sơ thẩm 10 vụ án, 101 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ án, 66 bị cáo. Cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho 3 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 160.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỷ đồng.
Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: đấu tranh PCTNTC luôn là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài. Tổng Bí thư yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án xảy ra tại Công ty AIC.
Chiều 18-11, Ban Nội chính Trung ương đã họp báo thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.
Trả lời câu hỏi của báo chí về vụ án Vạn Thịnh Phát, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, đây là một trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp diễn ra trong thời gian khá dài; Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương giao trách nhiệm cho các cơ quan có liên quan làm rõ xử lý. Đối với vụ án tại Công ty AIC và việc các bị can, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, đồng chí Nguyễn Thái Học cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói, dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của pháp luật. Hiện nay Ban Chỉ đạo Trung ương giao cho các cơ quan tố tụng nghiên cứu các quy định luật pháp để truy tố, xét xử các bị can, bị cáo theo đúng quy định pháp luật. Liên quan đến vụ Công ty Việt Á, đồng chí Nguyễn Thái Học cho biết, quá trình xem xét xử lý đòi hỏi khẩn trương nhưng thận trọng, đánh giá bối cảnh tình hình dẫn đến vi phạm và có phân hóa các đối tượng.