Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho rằng, công tác phối hợp giữa các sở, ngành hiện nay chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến việc thực hiện đề án chung của thành phố. Yêu cầu xây dựng phòng học thông minh, thư viện thông minh mới dừng ở việc xây dựng kế hoạch, đề án trên giấy chứ chưa triển khai sâu rộng đến học sinh.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án giáo dục thông minh, riêng sự nỗ lực của ngành giáo dục thôi chưa đủ mà còn cần sự vào cuộc của nhiều sở, ban, ngành của thành phố, kết hợp kinh phí từ nguồn ngân sách và kinh phí xã hội hóa. Trong đó, ngành giáo dục và đào tạo chủ động đề xuất các giải pháp, mô hình dựa trên cơ chế đặc thù của thành phố.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, Đề án xây dựng trung tâm thực hành thí nghiệm hiện đại dùng chung cho học sinh toàn thành phố đang được bổ sung, hoàn thiện trước khi trình UBND TPHCM. Song song đó, hệ sinh thái giáo dục thông minh đang được toàn ngành thực hiện với nhiều nội dung như: xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành; nâng cao chất lượng phục vụ của cổng dịch vụ công trực tuyến; triển khai hồ sơ quản lý học sinh kết hợp thanh toán điện tử trong trường học; sử dụng phần mềm điện tử quản lý tài sản, cơ sở vật chất trường học; xây dựng hệ thống học tập từ xa theo hình thức trực tuyến tại các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện...