Báo cáo tại buổi giám sát, đại diện Sở TT-TT TPHCM cho biết, hiện sở đang thực hiện 4 dự án liên quan đề án đô thị thông minh. Trong đó, dự án xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh của TPHCM thực hiện từ năm 2019-2022, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 969 tỷ đồng. Dự án xây dựng trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp của thành phố qua một đầu số viễn thông duy nhất thực hiện từ năm 2019-2025, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 993 tỷ đồng.
Dự án xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của thành phố thực hiện từ năm 2019-2022, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 549 tỷ đồng. Dự án triển khai hệ thống quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu thuộc kho dữ liệu dùng chung của thành phố giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2019-2022, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng gần 49 tỷ đồng. Song song đó, còn có hàng chục dự án liên quan khác đang trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh cho biết, trong quá trình thực hiện, do các dự án hoàn toàn mới nên sở đang vướng một số khó khăn, như: sự phối hợp của các sở ngành liên quan trong việc xác định thẩm quyền hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; đề xuất phương án thực hiện trên cơ sở pháp lý, tình hình thực tế của TPHCM trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông khi được phân cấp, ủy quyền về một cơ quan đầu mối; các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến công tác quản lý nhà nước của đơn vị đối với quy trình, thủ tục, điều kiện triển khai, thực hiện dự án đầu tư công chưa thật sự rõ ràng…
Tại buổi giám sát, hầu hết ý kiến của các đại biểu cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án nằm trong chuỗi đề án xây dựng đô thị thông minh, đảm bảo dự án đạt tiến độ giải ngân nguồn vốn trong năm 2020 đúng kế hoạch đề ra.
Giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm tại các chợ
Ngày 21-10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM có buổi giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết, chợ được TPHCM chọn làm chợ thí điểm đảm bảo ATTP nên công tác quản lý, giám sát chất lượng hàng hóa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Song song đó, chợ cũng thường xuyên phối hợp với Đội 9 (Ban ATTP TPHCM) kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập chợ. Trong 9 tháng đầu năm 2020, chợ đã xử lý 13 trường hợp kinh doanh thịt heo không đảm bảo ATTP (giảm 40% so với năm 2019). Tuy nhiên, xung quanh chợ còn nhiều điểm kinh doanh tự phát, không đảm bảo ATTP, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín của chợ.
Chiều cùng ngày, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM tiếp tục có buổi giám sát tại một số chợ trên địa bàn quận 11. Theo ông Nguyễn Bá Tùng, Quyền Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới, Ban quản lý thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, nhắc nhở thương nhân thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ theo đúng quy định và được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe để kinh doanh, không mắc các bệnh truyền nhiễm.
Đối với vệ sinh môi trường, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 11 duy trì tốt công tác phun thuốc tiêu độc khử trùng trong toàn chợ, nhất là ở khu vực kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, ăn uống. Tổ chức rửa chợ 2-3 lần mỗi tháng nhằm đảm bảo vệ sinh cho khu vực kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống của chợ. Bên cạnh đó, Ban quản lý phối hợp với Phòng Quản lý đô thị quận giải quyết tình trạng mua bán, lấn chiếm xung quanh khu vực chợ (đường Xóm Đất, hẻm 385 Minh Phụng, hẻm 152 Lạc Long Quân) gây mất mỹ quan đô thị, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Bá Tùng cũng nêu một số khó khăn trong công tác quản lý ATTP, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm do thiếu nhân sự. Bên cạnh đó, một số thương nhân chưa thực hiện tốt việc trang bị khẩu trang, găng tay, tạp dề... Trước những tồn tại này, UBND quận 11 cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát tiến độ thực hiện tuyến đường điểm kinh doanh ăn uống đường phố, đẩy mạnh công tác tập huấn kiến thức ATTP cho các hộ tiểu thương.