Tham dự buổi lễ có ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; ông Kawaue Junichi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM; Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam; đại diện một số sở, ngành, đội ngũ kỹ sư, công nhân và liên doanh các nhà thầu.
Trưởng ban Ban quản lý đường sắt đô thị Bùi Xuân Cường cho biết, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có bốn gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của TP, bao gồm ba gói thầu xây dựng và một gói thầu cơ điện. Dự án khởi công từ tháng 8-2012. Đến cuối tháng 1-2020, khối lượng thi công toàn dự án đã đạt 70% tổng khối lượng với hơn 35 triệu giờ lao động an toàn.
Theo ông Bùi Xuân Cường, thời gian qua, dự án gặp nhiều khó khăn vướng mắc, một số hạng mục thi công còn chậm so với kế hoạch đề ra, sự phối hợp giữa chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu chưa đồng bộ. Do đó, để đạt được mục tiêu xây dựng hoàn thành dự án metro số 1 vào cuối năm 2021, Ban quản lý đường sắt đô thị cùng các nhà thầu phải tập trung xử lý giải quyết các vướng mắc về hợp đồng, giải ngân, phối hợp giao diện giữa các nhà thầu, thực sự khẩn trương trong năm 2020.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên), tập thể Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Liên danh Tư vấn NIPT và các Liên danh nhà thầu cam kết sẽ tổ chức thi công khoa học, phối hợp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành 85% khối lượng của dự án trong năm 2020, đảm bảo an toàn, chất lượng và phấn đấu hoàn thành dự án vào cuối năm 2021 theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM Bùi Xuân Cường, với mục tiêu tiến độ dự án đặt ra trong năm 2020 là đạt 85%. Như vậy, năm nay khối lượng tăng 1,5 lần so với khối lượng hoàn thành của những năm trước đây. Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP cùng các nhà thầu đã lập lại tổng tiến độ dự án, ký các biên bản ghi nhớ để tập trung tháo gỡ, vì còn rất nhiều nút thắt trong quá trình thực hiện sau khi tổng mức đầu tư được phê duyệt điều chỉnh. Cụ thể, tiếp tục gia hạn các hiệp định vay, thúc đẩy ký hiệp định vay cuối cho phần tổng mức đầu tư trước đây đã được điều chỉnh tăng thêm.
Ngoài ra, tập trung tháo gỡ các thủ tục trong quá trình thực hiện các hợp đồng do trước đây đã ký và điều chỉnh thời gian để đảm bảo tính pháp lý trong quá trình thi công và nghiệm thu, đặc biệt là công tác phối hợp giữa các nhà thầu trong thực hiện các giao diện. Bởi vì, dự án này có các gói thầu xây lắp và các gói thầu cơ điện. Vì vậy, phải có sự phối hợp đồng bộ trong các nhà thầu để đảm bảo thống nhất trong hệ thống không chỉ phần kết cấu mà cả phần cơ điện, thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe…
Đại diện nhà thầu Nhật Bản cho biết rất vinh hạnh được là một phần trong dự án vốn ODA biểu trưng cho tình hữu nghị Nhật - Việt, đóng góp vào hạ tầng giao thông vận tải của TP. Hướng đến mục tiêu chung vận hành thương mại tuyến metro như dự kiến, các nhà thầu cam kết hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch thi công năm 2020 đảm bảo chất lượng, an toàn.
Các nhà thầu cam kết, trong năm 2020 sẽ hoàn thành tiến độ thực hiện dự án theo kế hoạch thi công đảm bảo chất lượng và an toàn. Cụ thể, tại gói thầu số 1a, cùng với 15 nhà thầu phụ và 450 công nhân triển khai toàn bộ các hoạt động trên suốt mặt bằng thi công từ khu vực nhà ga Bến Thành, hầm đào hở trên đường Lê Lợi. Tại khu vực phía trước công trình mang tính lịch sử như Chợ Bến Thành và Nhà hát TP, triển khai thi công cả ngày lẫn đêm đảm bảo an toàn.
Phát biểu tại lễ ra quân, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là tuyến metro mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản, cũng như giữa TPHCM với Nhật Bản. Đây là công trình đầu tiên của thế kỷ 21, công trình đánh dấu sự chuyển mình của sự phát triển TPHCM trong tương lai. Công trình này được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP rất kỳ vọng và mong đợi sự hoàn thành trong thời gian gần đây. Công trình trải qua thời gian dài và có rất nhiều khó khăn. Cuối năm 2019, TPHCM đã tập trung tháo gỡ và việc tháo nút thắt này như là một bước ngoặt để khẩn trương tích cực đầu tư, cố gắng hoàn thành để sớm đưa dự án vào sử dụng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, tuy những vấn đề cốt lõi đã được tháo gỡ, nhưng trong quá trình thực hiện dự án rất nhiều khó khăn đang đặt ra ở phía trước, đòi hỏi chính quyền TPHCM, phía Nhật Bản, tổ chức tư vấn, các nhà thầu thi công, kỹ sư, công nhân phải có sự phối hợp chặt chẽ để hoàn thành nhiệm vụ.
Do hiện nay dự án đã chậm, nên năm 2020 là năm tăng tốc để sớm hoàn thành và hoàn thành sớm hơn dự kiến vào năm 2021. Theo đó, năm 2020, TPHCM đã chỉ đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP phải xây dựng kế hoạch chi tiết và có sự cam kết chặt chẽ giữa các cơ quan với nhau, các tổ chức thi công, tư vấn giám sát, đơn vị cung cấp hàng hóa. Dự kiến giữa tháng 6 này, đầu máy, toa xe sẽ được đưa về TP.
Để đạt tiến độ hoàn thành 85% trong năm 2020, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan mong muốn Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM; Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phối hợp cùng chính quyền TP tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để làm sao dự án được tiếp tục thực hiện và thực hiện một cách liên tục không bị ngắt quãng. Các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án để xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện khoa học để đạt mục tiêu đề ra. Đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, truyền thống lao động cần cù, kỷ luật, an toàn và năng động sáng tạo để tiến độ công việc đạt cao nhất với chất lượng tốt nhất.
“Chính quyền TPHCM sẽ phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc một cách khẩn trương, sớm nhất cho công việc được thực hiện tiếp tục và đạt kết quả tốt nhất. Đồng thời, TP sẵn sàng nguồn lực về tài chính vì khi thi công giai đoạn cuối, vấn đề tài chính đòi hỏi lớn. Hiện nay, TP sẵn sàng các khâu để dự án triển khai tốt” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cam kết.