Tập kết vật tư, tiến hành rào chắn một phần đường để có mặt bằng… là những công việc đang được đơn vị thi công thực hiện. Chủ đầu tư hy vọng tuyến đường sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng sau 14 tháng thi công.
Sửa chữa, nâng cấp nhiều hạng mục
Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh dài gần 3,2km bao gồm các hạng mục chính như thực hiện cải tạo phần nền, mặt đường bị hư hỏng.
Ngoài ra, còn các hạng mục phụ khác như cải tạo, xây dựng, bổ sung hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật; sửa chữa hư hỏng một số hạng mục công trình trên tuyến như tường cách âm Thảo Cầm viên, cầu Thị Nghè 2, cầu Văn Thánh 2, cầu Thủ Thiêm... nhằm tăng năng lực thông hành và mỹ quan đô thị. Tổng kinh phí dự án 472,9 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 371 tỷ đồng.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh, ngày 13-3 vừa qua, Sở GTVT TPHCM yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban QLDA) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Theo Sở GTVT TPHCM, qua kiểm tra thực tế, sở nhận thấy việc triển khai thực hiện dự án rất chậm. Nhiều hạng mục công trình sở đã cấp phép thi công, tuy nhiên chủ đầu tư vẫn chưa triển khai thi công ngoài thực tế.
Cụ thể, đoạn cống dọc trên đường Điện Biên Phủ (từ đường D1 nối dài đến cầu Sài Gòn), đoạn bù vênh thảm bê tông nhựa đường Nguyễn Hữu Cảnh (từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đường Phạm Viết Chánh) đến nay vẫn chưa thực hiện hạng mục nào. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa dự án vào khai thác, Sở GTVT TPHCM đề nghị Ban QLDA yêu cầu nhà thầu huy động nhân lực, máy móc thiết bị và khẩn trương tổ chức thi công nhiều mũi để triển khai đồng loạt các hạng mục công trình đã được Sở GTVT TPHCM cấp phép thi công.
Đối với các hạng mục công trình như đường dẫn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh và các nhánh khu vực nút giao cầu Sài Gòn đã được Sở GTVT TPHCM thông qua phương án tổ chức giao thông, sở đề nghị Ban QLDA khẩn trương thực hiện thủ tục để được cấp phép thi công.
Theo Sở GTVT TPHCM, việc triển khai thi công trong giai đoạn này - khi mà thành phố thực hiện các biện pháp phòng chống dịch - sẽ thuận lợi hơn vì lượng phương tiện lưu thông tương đối vắng.
Ban QLDA cho biết đoạn đường từ hầm chui cầu Thủ Thiêm (đoạn phía trước tòa nhà The Manor) đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dài khoảng 500m sẽ nâng cao độ mặt đường lên từ 50cm đến 1,2m - đây là đoạn bị lún nặng nhất. Các đoạn khác lún ít nên mức nâng đường sẽ thấp hơn. Để việc nâng cao độ mặt đường ảnh hưởng ít nhất tới cuộc sống người dân, ban đã đưa ra phương án xử lý là xây bậc tam cấp hoặc làm đường dốc để người dân đi lại dễ dàng. |
Để dự án đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, hiện đơn vị thi công đã tiến hành rào chắn một phần mặt đường hướng từ quận 1 ra cầu Sài Gòn để khoan kiểm tra nền đất mặt đường.
Theo Ban QLDA, dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh đang trong giai đoạn khoan kiểm tra nền đường và khảo sát kiểm tra hệ thống thoát nước. Ban đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến với người dân, chính quyền địa phương về việc nâng cao độ mặt đường ở những đoạn bị lún, ngập nước nặng.
Phó Giám đốc Ban QLDA Nguyễn Vĩnh Ninh cho biết, dự án này sẽ thiết kế phần đường trên cơ sở khôi phục cao độ thiết kế cũ từ năm 1997 của tuyến đường này để vừa đảm bảo chống ngập, đảm bảo giao thông và hài hòa với các khu dân cư hai bên tuyến. Đối với đoạn đường bị lún nặng nhất từ cầu Thủ Thiêm đến đầu đường dẫn vào cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, toàn bộ nền đường được xử lý bằng cọc xi măng theo công nghệ Jet - Grouting. Riêng đoạn đường dẫn vào cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh sẽ có phương án xử lý, gia cố nền đất phù hợp nhằm giảm lún, đảm bảo cao độ công trình.
Trả lời thắc mắc về việc xử lý hệ thống thoát nước, có đảm bảo hết ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh - vốn là một trong những nơi ngập nặng nhất thành phố, đại diện Ban QLDA cho biết, hệ thống thoát nước tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được sửa chữa, xây dựng bổ sung thêm cống dọc tuyến để đảm bảo năng lực thoát nước cho lưu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, với diện tích khoảng 35ha.
Cụ thể, đối với đoạn 1 (từ đường Tôn Đức Thắng đến hết ranh dự án cầu Thủ Thiêm), giữ nguyên hệ thống thoát nước hiện nay, nâng cao miệng giếng thu, cải tạo cửa thu nước cho phù hợp cao độ mặt đường và hoàn thiện vỉa hè. Hướng thoát nước ở đây sẽ ra rạch Thị Nghè theo cửa xả hiện hữu tại cầu Thị Nghè 2.
Đối với khu vực 2, 3 (từ ranh dự án cầu Thủ Thiêm đến hết phạm vi nút giao dưới dạ cầu Sài Gòn), hệ thống thoát nước cũ vốn không còn đảm bảo khả năng khai thác, nên thành phố sẽ xây dựng hệ thống thoát nước mới ở dưới lòng đường song song với hệ thống thoát nước cũ và liên kết chúng qua các giếng thu. Đồng thời xử lý lấp, hủy các đoạn cống thoát nước cũ bị hư hỏng, đứt gãy không còn khả năng thoát nước, để tránh sụp lún. Hướng thoát nước ở đây là xả trực tiếp ra sông Sài Gòn tại 2 cửa xả dưới chân cầu Sài Gòn và cửa xả trên đường Võ Duy Ninh nối dài.